Chuyển đổi số: Từ chủ trương đến kết quả khơi nguồn phát triển

25/05/2023 | 16:44 GMT+7

Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là câu chuyện của riêng tỉnh Hậu Giang, mà là câu chuyện lớn của vùng và cả nước. Tuy nhiên, để có bước tiến mạnh mẽ hơn về CĐS ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần có những liên kết chặt chẽ hơn, để tạo một điểm nhấn riêng, không thể mỗi địa phương làm mỗi kiểu.

Bài 3. Cần “Nhạc trưởng” liên kết “Bản giao hưởng” chuyển đổi số vùng

CĐS ở đồng bằng sông Cửu Long nên bắt đầu từ đâu?, theo các chuyên gia công nghệ: Nên bắt đầu từ những thế mạnh hiện có và rất tiềm năng của vùng, nhưng quá trình đi đến thành công không phải một ngày, một bữa.

Chuyển đổi số từ thế mạnh của vùng

Để có bước tiến mạnh mẽ hơn về CĐS, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có sự liên kết chặt chẽ để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, nhất là CĐS phục vụ nông nghiệp.

Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây chủ lực. Hiện tại, sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng rất lớn.

Không nằm ngoài xu thế tất yếu phải CĐS, ngành nông nghiệp ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tập trung đẩy mạnh công tác CĐS, nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch và hiện đại, giúp nông dân vươn xa và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay việc CĐS trong nông nghiệp vẫn còn nhiều điểm nghẽn, cần được khơi thông.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, nêu một vấn đề thực tế: Ở đồng bằng sông Cửu Long có một câu chuyện năm nào cũng xảy ra, đó là điệp khúc được mùa mất giá, có những nông dân ở làng hoa Sa Đéc mỗi năm đem hoa lên Thành phố Hồ Chí Minh bán, đến gần giao thừa lại chính tay mình đập bỏ những chậu hoa mà mình từng chăm chút… như vậy, công nghệ nói chung, CĐS nói riêng phải góp phần giải quyết vấn đề tiêu thụ, đầu ra, sau đó nói đến những chuyện lớn hơn như xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dữ liệu về an toàn thực phẩm trên nền tảng ứng dụng công nghệ số.

Đồng tình với ông Tuấn, theo ông Phạm Ngọc Hoàng Nam, Trưởng phòng Dịch vụ Phần mềm, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT: “Để CĐS trong ngành nông nghiệp trước hết, cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin ngành, cung cấp nhiều giải pháp hiện đại trong nông nghiệp để nông dân tiếp cận. Mặt khác, việc thay đổi nhận thức cho người nông dân về CĐS cũng cần được tập trung thực hiện, bởi muốn CĐS nông nghiệp, thì trước hết nông dân phải hiểu CĐS là nhu cầu tất yếu sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc canh tác truyền thống. Ngoài những yếu tố trên, thì chính sách của tỉnh để khuyến khích các cá nhân, hợp tác xã ứng dụng công nghệ đưa thương hiệu tiến xa cũng là yếu tố rất quan trọng”.

Bên cạnh tập trung thúc đẩy CĐS lĩnh vực nông nghiệp theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần CĐS để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật với mảnh vườn nhà mình.

Phải CĐS giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn. Về y tế, nên CĐS bằng cách ứng dụng "Bác sĩ AI" có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động; triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để mỗi người dân có một bác sĩ riêng, được kết nối các bệnh viện Trung ương và địa phương, sử dụng bác sỹ tốt nhất cho người dân trong Vùng; Mỗi người dân một sổ sức khỏe điện tử theo suốt cuộc đời.

Về giáo dục, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm gợi mở: “Vùng nên cân nhắc chọn CĐS lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số. Cho phép, thúc đẩy đại học số. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Đại học số thì sinh viên vẫn ở nhà, vẫn cày cấy giúp bố mẹ và vẫn học đại học. Đại học số thì nhiều người có thể học đại học. Đại học số có thể giúp giải quyết bài toán thiếu nhân lực số…”

Nông nghiệp là lĩnh vực cần được ưu tiên trong CĐS.

Những rào cản...

Với đồng bằng sông Cửu Long, CĐS có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ giúp các tỉnh gắn kết với nhau, mà còn giúp từng địa phương phát huy thế mạnh sẵn có.

Ông Phạm Kim Sơn, đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho biết: “Liên kết vùng để CĐS là mong muốn nhiều năm nay của các tỉnh, chứ không đợi đến khi có Chính phủ điện tử. Để liên kết vùng hiệu quả, thì việc dùng công nghệ số để liên kết là phù hợp nhất. Liên kết vùng CĐS là yêu cầu tất yếu, trong điều kiện sản xuất chuỗi giá trị như hiện nay, không liên kết vùng không thể tồn tại được. Tuy nhiên, khó khăn nhất của chúng ta hiện là chưa có sự bắt tay mạnh mẽ của các tỉnh, thiếu chính sách chung và định hướng quan trọng từ Trung ương. Ngoài ra, chưa có địa phương tiên phong đứng ra làm đầu tàu trong liên kết, đây hiện là rào cản rất lớn trong việc liên kết vùng trong CĐS”.

CĐS được nhắc nhiều trong thời điểm hiện nay, nhưng câu chuyện liên kết vùng để CĐS còn rất nhiều rào cản.

Ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart, cho rằng: “Về mặt liên kết vùng để CĐS, thì mỗi vùng đều có những đặc tính riêng, có những cây trồng riêng. Nếu như vùng nào có những điểm chung, thì nên liên kết. Chúng ta liên kết theo đối tượng, theo điểm chung trong từng lĩnh vực sẽ hay hơn, hiệu quả hơn là liên kết vùng theo địa lý, hành chính”.

TS Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu Chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: “Để liên kết vùng trong CĐS, ứng dụng công nghệ số, theo tôi có thể nghiên cứu để triển khai một số giải pháp: Liên kết xây dựng, sử dụng hạ tầng số cụ thể, các địa phương có thể sử dụng chung hạ tầng cloud, hạ tầng trung tâm dữ liệu thay vì đầu tư riêng rẽ. Liên kết xây dựng ứng dụng, triển khai các nền tảng số, trong đó các địa phương có thể chia sẻ để sử dụng chung các ứng dụng, giải pháp CĐS đã thành công trong các lĩnh vực tại một hoặc một số địa phương trong vùng; chia sẻ nền tảng, kinh nghiệm triển khai nền tảng đã thành công tại địa phương mình để nhân rộng tại các địa phương trong vùng. Liên kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai CĐS nói chung gồm: xây dựng chính sách CĐS, đào tạo nhân lực công nghệ số, triển khai các dự án CĐS… Qua đó, đảm bảo sự hợp tác, liên kết vùng là thực chất, hiệu quả, không chồng chéo”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm: CĐS là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu, khách quan

CĐS là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu, khách quan; là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; vì thế phải tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, thường xuyên tổng kết, đánh giá để có những bước đi phù hợp tiếp theo.

Bên cạnh tập trung thúc đẩy CĐS lĩnh vực nông nghiệp theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao chất lượng cuộc sống, phải giúp người dân thoát nghèo, giúp người nông dân tránh được thực tế được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái trung gian. Muốn vậy cần CĐS để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hoá sản vật trên chính mảnh vườn nhà mình.

MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>