Chuẩn bị sớm cho “Ngày hội dân số”

19/06/2017 | 07:27 GMT+7

Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và nâng cao chất lượng dân số tỉnh Hậu Giang năm 2017 (chiến dịch) có thể xem là ngày hội thu hút hàng chục nghìn người đi thực hiện các biện pháp KHHGĐ.

Cán bộ ấp đi vận động kế hoạch hóa gia đình ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A.

Chủ động nắm đối tượng

Thời điểm này, ở các địa phương, công tác chuẩn bị đối tượng cho chiến dịch đã tương đối sẵn sàng. Cộng tác viên dân số Võ Thị Thanh Vân, ở ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Tôi đã rà soát, lập danh sách đối tượng nào chưa thực hiện biện pháp tránh thai và cho đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai đã gửi về cán bộ DS-KHHGĐ xã”. Theo chỉ tiêu giao thực hiện kế hoạch năm 2017, cơ bản bà Thanh Vân đã vận động đủ đối tượng đăng ký.

Công tác chuẩn bị được thực hiện chủ động nên vấn đề rà soát nắm đối tượng khá thuận lợi ở xã Hòa An. Bà Nguyễn Thị Trắng, cán bộ DS-KHHGĐ của xã, nói: “Công tác này được Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm ngay từ đầu năm. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã được thực hiện, trong đó tất cả các ấp đã rà soát xong đối tượng, cho đăng ký thực hiện các biện pháp tránh thai để sẵn sàng vào chiến dịch. Do chưa có chỉ tiêu giao trong chiến dịch nên địa phương chuẩn bị nguồn theo chỉ tiêu năm”.

Năm nay, với số liệu vừa thu thập được từ cuộc Tổng điều tra dân số, đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng tác viên dân số nắm chặt đối tượng hơn và chủ động tuyên truyền vận động. Bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Khi thực hiện Tổng điều tra dân số đã là một bước rà soát đối tượng. Trên kết quả đã thể hiện rõ những trường hợp nào chưa sử dụng biện pháp tránh thai để cộng tác viên tập trung tuyên truyền, vận động. Đến cuối tuần qua, chỉ còn 3 địa phương là xã Tân Long, xã Phương Bình, thị trấn Búng Tàu chưa gửi về danh sách đối tượng đăng ký và dự kiến sẽ hoàn thành đầu tuần này”.

Còn ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, công tác rà soát nắm đối tượng cũng đã hoàn tất. Không ít gia đình đã đăng ký thực hiện KHHGĐ. Chị Nguyễn Thị Kiều Loan, ở ấp Xáng Mới, cho biết: “Tôi đăng ký thực hiện đặt vòng tránh thai. Nhà có 2 con rồi nên không sinh thêm nữa”. Chị Kiều Loan có 2 con một bề đều là trai nhưng vì muốn lo cho con được tốt hơn, gia đình chị quyết định không sinh thêm con nữa. Chị Loan là một trong gần 900 người dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp KHHGĐ trong chiến dịch năm nay của thị trấn.

Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Châu Thành A trong tuần này sẽ triển khai thêm một bước nữa để khảo sát lại tình hình chuẩn bị chiến dịch ở các địa phương. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại tình hình rà soát đối tượng, nắm lại tình hình cộng tác viên. Đồng thời, thông tin, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến việc triển khai chiến dịch. Công tác tuyên truyền đã được thực hiện trước một bước. Băng rôn tuyên truyền đã được treo ở các trạm y tế và thông qua tuyên truyền của cộng tác viên để truyền thông cho chiến dịch”.

Những thách thức

Trước thềm chiến dịch dân số năm nay, một lần nữa các địa phương lại băn khoăn về vấn đề thù lao cộng tác viên. Đến nay, tiền thù lao của lực lượng này vẫn chưa được cấp kịp thời. Cộng tác viên dân số Huỳnh Thị Lệ, ở ấp 3, xã Hòa An, than thở: “Tiền thù lao từ nguồn Trung ương cấp 6 tháng cuối năm 2016 đến nay chưa nhận được”. Theo chế độ thù lao, cộng tác viên hàng tháng sẽ được nhận tiền từ 2 nguồn: Của tỉnh là 100.000 đồng và của Trung ương là 100.000 đồng, nhưng tiền cấp của tỉnh đã nhận mà tiền cấp của Trung ương chưa nhận được.

Đồng cảm với cộng tác viên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Châu Thành A, cho biết: “Hầu như lần họp nào với các cộng tác viên cũng nghe đề xuất kiến nghị về vấn đề này, chúng tôi cũng đã kiến nghị về trên nhưng đến nay vẫn chưa cấp được cho cộng tác viên. Dù số tiền không nhiều nhưng nếu cấp kịp thời sẽ là nguồn động viên, thể hiện sự quan tâm đối với lực lượng này. Chưa được cấp tiền đầy đủ ảnh hưởng ít nhiều đến nhiệt huyết của cộng tác viên”. Thực tế đã có những cộng tác viên trên địa bàn huyện đang hoạt động cầm chừng nên hiệu quả quản lý dân số sẽ không cao ở các cụm này.

Tình trạng cộng tác viên nghỉ nhiều cũng là một thách thức trước thềm chiến dịch dân số năm nay ở huyện Phụng Hiệp. Bà Cao Thị Ánh Hồng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Trong tổng số 160 cộng tác viên dân số của huyện đã có 40 cộng tác viên nghỉ, còn lại các cộng tác viên khác phải gánh thêm việc quản lý các cụm dân cư của các cộng tác viên này. Mỗi cộng tác viên dân số thông thường chỉ quản lý 1 cụm, khi quản lý 2 cụm hiệu quả sẽ không cao, quản lý không chặt chẽ. Đây là điều chúng tôi lo lắng nhất trước khi vào chiến dịch dân số năm nay”.

Chiến dịch dân số năm nay được thực hiện trễ, thời điểm này năm ngoái đã là gần cuối chiến dịch. Tình trạng này cũng gây khó khăn cho công tác vận động ở địa phương. Ông Dương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, kiêm nhiệm cộng tác viên dân số, nói: “Đối tượng đã vận động rồi mà chưa thể đưa đi thực hiện các biện pháp tránh thai được thì mình phải duy trì vận động hoài. Nếu chậm trễ một số trường hợp sẽ thay đổi ý định”. Thời điểm triển khai kế hoạch chiến dịch năm 2017 có trễ hơn so với kế hoạch đề ra, theo kế hoạch của Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh thời gian bắt đầu chiến dịch là 1-6 và kết thúc là 30-7, tuy nhiên, dự kiến cuối tháng 6 này mới triển khai kế hoạch chiến dịch.

Chia sẻ về nguyên nhân chiến dịch triển khai trễ, bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho hay: “Chiến dịch năm nay trễ là chúng tôi muốn chuẩn bị đầy đủ hậu cần trước khi vào chiến dịch để tránh cập rập. Có thể gần cuối tháng 6 mới tổ chức triển khai được chiến dịch. Còn tiền thù lao của cộng tác viên nguồn Trung ương cấp chúng tôi chưa nhận được, khi nào được cấp về sẽ nhanh chóng cấp cho cộng tác viên. Trước mắt, chúng tôi đã thực hiện cấp tiền hỗ trợ của tỉnh theo từng tháng để khuyến khích mọi người an tâm công tác”.

Chiến dịch đề ra mục tiêu có 100% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong toàn tỉnh được cung cấp thông tin và tư vấn nâng cao hiểu biết về vấn đề dân số, nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ; đảm bảo thực hiện cơ bản các chỉ tiêu KHHGĐ năm 2017 tại các xã; đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu cơ bản về nâng cao chất lượng dân số.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>