Chung tay phòng, chống HIV/AIDS ở cộng đồng

04/12/2018 | 09:14 GMT+7

Hơn 25 năm qua, từ khi ghi nhận cas bệnh HIV đầu tiên ở Hậu Giang vào năm 1993, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được quan tâm thực hiện, góp phần chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài và giảm lây truyền căn bệnh này trong cộng đồng.

Đoàn xe diễu hành tuyên truyền tại huyện Vị Thủy sau lễ mít-tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018.

Nỗ lực giảm lây truyền bệnh

Qua nhiều năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS đã để lại trong lòng ông Trần Văn Đồng, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS, Trạm Y tế xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, một tình cảm và sự san sẻ chân thành, thấu hiểu đối với bệnh nhân HIV/AIDS. Ông Đồng bảo: “Bao giờ bệnh nhân cũng có tâm lý mặc cảm và lo sợ bị người khác biết mình nhiễm HIV. Vì vậy, là cán bộ phụ trách tôi có những cách riêng để tiếp cận và thăm hỏi người bệnh. Miễn sao không làm họ có cảm giác không an toàn mà tránh mặt mình và mình có thể nắm được tình trạng sức khỏe và việc điều trị của người bệnh”. Đối với ông Đồng, mỗi khi vận động được bệnh nhân điều trị bệnh là một niềm vui.

Chính nhờ sự thấu hiểu mà nhiều năm qua, ông Đồng luôn là điểm tựa của bệnh nhân HIV/AIDS ở địa phương. Chị N.T.T., ở xã Đông Phước A, kể: “Tôi đã phát hiện bệnh nhiều năm nay, khi nào cần thì gọi hỏi anh Đồng, anh cũng thường xuyên thăm hỏi, chỉ dẫn nhiệt tình. Trong quá trình điều trị, tôi cũng muốn sinh con, các bác sĩ đã tư vấn cho tôi để quyết định có nên sinh con hay không. Con tôi đã được điều trị dự phòng bệnh từ lúc còn trong bào thai cho đến khi sinh ra. Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ y tế giúp tôi có thể an tâm điều trị và sinh con”. Xã Đông Phước A hiện có 11 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống và đang được ông Đồng quản lý. Tuy nhiên, điều ông Đồng trăn trở vẫn còn một bệnh nhân chưa tiếp nhận điều trị bệnh. Với quyết tâm của mình, ông Đồng sẽ nỗ lực để tiếp cận và vận động người bệnh điều trị.

Dù mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng bệnh nhân HIV/AIDS ở huyện Châu Thành luôn có sự quan tâm hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe của cán bộ y tế ở đây. Theo ông Nguyễn Trọng Thảo, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành: “Toàn huyện đang quản lý 65 bệnh nhân HIV/AIDS còn sống và thực hiện hoạt động vãng gia, tư vấn thường xuyên. Qua đó, giúp đỡ bệnh nhân điều trị và có cuộc sống tốt”. Trong Tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, chúng tôi tăng cường hoạt động tuyên truyền trên loa phát thanh, tuyên truyền pano, băng rôn, tờ rơi,… lồng ghép các hoạt động hội, đoàn thể,… để nâng cao nhận thức người dân về phòng lây bệnh và giảm kỳ thị với bệnh nhân HIV/AIDS. Duy trì tư vấn xét nghiệm tự nguyện ở các trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện. Phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho các đối tượng nguy cơ như đối tượng nghiện chích ma túy, gái mại dâm. Tại các trạm y tế có bố trí bơm kim tiêm cấp cho các đối tượng, bao cao su cấp ở các nhà nghỉ, khách sạn”. Với những giải pháp được huyện triển khai thời gian qua đã góp phần khống chế bệnh HIV lây truyền và gia tăng nhanh.

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức

Hàng năm, từ ngày 10-11 đến 10-12, là thời gian diễn ra Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Hưởng ứng Tháng hành động năm nay, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông khá rầm rộ. Đặc biệt là lễ mít-tinh, diễu hành trên đường phố truyền thông cho hàng ngàn người dân ở địa phương các thông tin về phòng, chống HIV/AIDS và kêu gọi mọi người chung tay phòng, chống căn bệnh này. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế, khẳng định: “Hiện nay, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm vẫn còn nhiều. Sự lây truyền bệnh qua đường quan hệ tình dục, tiêm chích ma túy có xu hướng tăng. Trong khi đó, kiến thức chung về thực hiện hành vi an toàn phòng bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn hạn chế”. Vì vậy, công tác truyền thông nâng cao kiến thức cộng đồng là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.

Để có thể kéo giảm số trường hợp lây nhiễm HIV/AIDS, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, chứ không riêng ngành y tế. Ông Phạm Văn Giàu, Bí thư Huyện đoàn Vị Thủy, khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện trong toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương, nhà trường trong việc thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Phối hợp với nhà trường luôn có kế hoạch tổ chức các buổi ngoại khóa, các buổi sinh hoạt dưới cờ tạo cho các em những hiểu biết cơ bản về phòng chống HIV/AIDS”.

Nhằm tạo thành phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống căn bệnh thế kỷ này, giảm phân biệt kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh: “Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Tăng cường huy động đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông tại cộng đồng. Bên cạnh đó, củng cố, mở rộng các điểm tư vấn, điều trị HIV/AIDS để người dân và bệnh nhân dễ tiếp cận”.

Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ gia tăng trở lại, vì vậy các hoạt động công tác phòng, chống HIV/AIDS cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm hướng đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>