Người dân thụ hưởng thành quả y tế

24/07/2018 | 07:47 GMT+7

Triển khai kỹ thuật mới là một trong những đòn bẩy quan trọng để các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Phẫu thuật thay khớp háng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thuận lợi hơn cho bệnh nhân

Sau khi bị ngã gãy chân phải, bà Phan Thị Thau, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang để điều trị. Bà Thau bị nứt xương khớp háng chân phải, đã được phẫu thuật thay khớp háng ngay và tình trạng sức khỏe ổn định. Bà Thau kể: “Bác sĩ phẫu thuật xong tuy vẫn còn đau nhưng đã giảm dần. Gia đình đơn chiếc chỉ có hai vợ chồng già, có một người con đi làm ăn ở xa. Bệnh viện mổ được đỡ cho mình ở gần tiện việc đi lại và chăm sóc”. Nếu hơn 10 tháng trước thì những trường hợp như bà Thau đều phải chuyển tuyến trên điều trị.

Theo bác sĩ Lê Văn Hái, Trưởng khoa Ngoại chấn thương: “Cuối năm 2017, khoa đã tự thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng và bệnh nhân được thanh toán bảo hiểm y tế khi phẫu thuật. Trước đó, những trường hợp có bảo hiểm y tế mình không thanh toán được đều chuyển viện. Việc điều trị ở bệnh viện tỉnh bệnh nhân sẽ đỡ tốn chi phí và điều kiện chăm sóc người thân thuận lợi hơn. Mấy tháng qua đã phẫu thuật 24 cas bệnh kết quả rất khả quan”.

Kết quả triển khai kỹ thuật mới ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang đã khẳng định được chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Bác sĩ Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Ngoài triển khai được kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối, bệnh viện còn triển khai được một số kỹ thuật khác như phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp nhỏ tê, kỹ thuật cắt đường gò môi dưới, đo huyết áp động mạch xâm lấn,… Cuối năm 2017, bệnh viện đã triển khai đơn nguyên điều trị ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân bị ung bướu, đã triển khai được phẫu thuật ung thư vú, các bệnh ung thư đường tiêu hóa và đã triển khai được hóa trị, lượng bệnh đã tăng dần”.

Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ đã triển khai lọc thận nhân tạo và đang đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ở địa phương. Ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Đơn vị lọc thận nhân tạo được triển khai mấy tháng qua bước đầu hoạt động ổn định, bệnh nhân đã đến lọc thận. Mới đầu chỉ triển khai 5 máy, nếu có nhiều bệnh nhân sẽ triển khai thêm”. Tương tự, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ cũng đã vận hành chính thức 5 máy lọc thận nhân tạo. Như vậy, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở y tế triển khai kỹ thuật này, hai đơn vị đã triển khai trước đó là Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất để bệnh nhân lọc thận giảm được chi phí và thời gian đi lại.

Cần đồng bộ

Triển khai kỹ thuật mới là niềm mong mỏi và là nhu cầu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A. Tuy nhiên, để triển khai kỹ thuật mới không dễ. Ông Trang Văn Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, phân trần: “Chúng tôi dự định sẽ triển khai phẫu thuật nội soi. Đã đưa ê-kíp y, bác sĩ đi đào tạo nhưng sau khi đào tạo xong bác sĩ đã nghỉ việc. Kỹ thuật không thể triển khai được. Xét điều kiện của đơn vị và nhu cầu của người dân, trung tâm dự kiến sẽ tập trung triển khai kỹ thuật nội soi chẩn đoán thay cho phẫu thuật nội soi sẽ hiệu quả và thiết thực hơn”. Trong 6 tháng đầu năm, lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A đều đạt trên 58% kế hoạch năm 2018, nếu có thể triển khai kỹ thuật mới lượng bệnh đến khám sẽ nhiều hơn nữa.

Khó khăn về nhân lực bác sĩ là tình hình chung của các trung tâm y tế, bệnh viện khi phát triển kỹ thuật mới. Ông Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh viện gặp khó nhất là về nhân lực để triển khai kỹ thuật mới. Một số kỹ thuật chỉ có 1 bác sĩ được đào tạo. Bên cạnh đó, thiếu trang thiết bị cũng là hạn chế lớn. Chẳng hạn máy chụp cộng hưởng từ MRI đã lỗi thời nhưng chưa thay thế được”.

Theo dự kiến, thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp sẽ triển khai thêm kỹ thuật mới là phẫu thuật nội soi ruột thừa, nội soi amidan, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chuyển giao theo đề án 1816. Tuy nhiên, ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, nhận định vẫn còn không ít khó khăn: “Hiện tại, trung tâm đã cử lực lượng y, bác sĩ đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Cái khó hiện nay là chưa có trang thiết bị y tế. Chúng tôi mong được tạo điều kiện để mua trang thiết bị mới có thể triển khai kỹ thuật này”.

Kỹ thuật mới có ý nghĩa thiết thực nâng cao chất lượng bệnh viện, tuy nhiên để triển khai được không hề dễ, phải đảm bảo từ nhân lực, thiết bị và có nhu cầu dịch vụ của người dân.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>