Tận tình chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS

08/04/2019 | 09:22 GMT+7

Gần 9 năm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương, bà Nguyễn Thị Sẳn (ảnh), Trưởng trạm Y tế xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, luôn là điểm tựa tinh thần và nơi hỗ trợ tin cậy để bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn xã an tâm điều trị bệnh và có người để sẻ chia nỗi lo bệnh tật.

Căn bệnh HIV/AIDS hiện đã không còn xa lạ với cộng đồng và mọi người dân, nhưng thực tế xã hội vẫn còn kỳ thị và xa lánh người nhiễm HIV. Chính vì vậy, đối với những người biết mình mắc phải căn bệnh này luôn có tâm lý che giấu, không dám để ai biết về bệnh tình. Chị N.T.N. xã Tân Phước Hưng, một trong những bệnh nhân nhiễm HIV của xã, tâm sự: “Tôi phát hiện nhiễm HIV khi sinh con nên tâm trạng càng hoang mang lo lắng. Nhưng được cô Sẳn tư vấn, thăm hỏi và động viên tinh thần, thường xuyên gọi điện hỏi mình có khỏe không, điều trị bệnh thấy thế nào?... nên cũng đỡ lo vì có gì thì hỏi cô. Cô tư vấn để tôi tiếp cận việc điều trị bệnh và điều trị dự phòng lây truyền sang con. Con tôi cũng đang được điều trị và hy vọng cháu sẽ không mắc phải căn bệnh này. Cô khuyên chồng tôi đi làm xét nghiệm để xác định có nhiễm HIV như tôi hay không nhằm điều trị sớm đảm bảo sức khỏe”. Biết mọi người thường tránh bệnh nhân HIV như mình vì sợ lây bệnh, chị T.N. cũng không dám chia sẻ với ai.

Chị T.N. là một trong 5 bệnh nhân nhiễm HIV đang được quản lý và tư vấn điều trị tốt ở địa bàn xã Tân Phước Hưng mà bà Sẳn là người trực tiếp thường xuyên động viên, thăm hỏi. Bà Sẳn nói: “Công việc của tôi là định kỳ thăm, vãng gia tại nhà bệnh nhân HIV/AIDS, nhưng đôi khi linh hoạt hỏi qua điện thoại hay khi gặp ngoài đường. Chứ bệnh nhân ngại đến nhà vì sợ người xung quanh dòm ngó. Dù vấn đề kỳ thị với bệnh nhân HIV đã được tuyên truyền và kéo giảm thời gian qua, nhưng thực tế vẫn còn. Đây là điều trăn trở và là rào cản để bệnh nhân có thể hòa nhập cộng đồng và là điểm khó trong công tác chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay”.

Ngần ấy năm gắn bó, bà Sẳn luôn quan tâm vãng gia đối với bệnh nhân mình quản lý nên nắm được từng hoàn cảnh sống của người bệnh. Theo bà Sẳn, đời sống bệnh nhân HIV/AIDS đa phần khó khăn, công việc không ổn định đi làm công nhân hay làm thuê, làm mướn. Gánh nặng kinh tế cùng với gánh nặng bệnh tật nên bệnh nhân thường rất cần người để quan tâm chia sẻ. Càng làm công việc này, bà thấy hết ý nghĩa khi giúp đỡ bệnh nhân và thấy được trẻ chào đời từ mẹ nhiễm HIV không nhiễm căn bệnh này càng hạnh phúc. “Ngoài thai phụ T.N. còn trường hợp thai phụ khác đã được điều trị và con thai phụ sinh ra trước mắt xét nghiệm không bị nhiễm HIV. Đây là niềm hạnh phúc của gia đình bệnh nhân và cả với cán bộ làm chương trình như tôi. Công việc của mình đã góp phần chung tay không để căn bệnh HIV ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ”, bà Sẳn nói.

Tại trạm y tế, định kỳ hàng tháng công tác tuyên truyền tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho thai phụ luôn được bà Sẳn duy trì. Với sự tư vấn của bà, nhiều thai phụ đã đồng tình làm xét nghiệm. Đây cũng là cách người cán bộ này giúp thai phụ phát hiện sớm và dự phòng tốt tránh lây truyền sang con nếu không may nhiễm căn bệnh HIV. Thực tế, việc phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa phòng bệnh rất tích cực cho con và cả người chồng, hoặc vợ và cả những người thân vì sẽ chủ động phòng lây nhiễm. Nếu không phát hiện bệnh, người bệnh vô tình không hay biết sẽ làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng. Hậu quả, làm gia tăng người nhiễm HIV.

HIV vẫn còn là một trong những vấn đề nhức nhối, bệnh nhân vẫn phải đối mặt với thái độ của xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử. Nhưng có những cán bộ y tế như bà Sẳn luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành và làm điểm tựa của bệnh nhân nên đã giảm đi mặc cảm trong bệnh nhân rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Phương Hồng Trúc, cán bộ Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bà Sẳn là một trong những người làm tốt các nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS ở cộng đồng. Thực hiện quản lý chương trình chặt chẽ, thường xuyên động viên tinh thần bệnh nhân. Tích cực đi điều tra, tìm đối tượng nhiễm khi được thông báo về địa phương. Với sự nhiệt huyết, công tác thầm lặng này đã góp phần giúp huyện hoàn thành tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS hàng năm”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích