Nguồn nhân lực Hậu Giang: Một hành trình vun bồi, chăm chút

12/04/2018 | 07:44 GMT+7

Hậu Giang đã xác định nguồn nhân lực chính là khâu then chốt để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà. Gần 15 năm qua, từ khi thành lập tỉnh, công tác này luôn được đặc biệt quan tâm...

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hiếu, (bìa trái) Trưởng khoa Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh, trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp.

“Trái ngọt, mùa vàng”

Chủ động học tập, không ngại khó, đam mê nghiên cứu khoa học chính là những yếu tố giúp tiến sĩ Huỳnh Thanh Hiếu, Trưởng khoa Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh, khẳng định mình. Là một trong những tiến sĩ trẻ của tỉnh, ông đang ấp ủ ước mơ thông qua kho tàng ca dao, tục ngữ để làm rõ tư tưởng triết học của người dân Việt Nam, tiến sĩ Hiếu chia sẻ: “Nhờ được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban giám hiệu nhà trường, tôi đã hoàn thành xong khóa học thạc sĩ rồi tiến sĩ triết học. Học tập nâng cao trình độ chuyên môn giúp ích rất lớn cho tôi trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao”. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ năm 2001, ra trường ông làm giáo viên tại Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy. Vì quá yêu các bài giảng chính trị, năm 2003 ông xin về giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh Cần Thơ. Đến khi chia tách tỉnh ông được điều chuyển về Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang. Cột mốc đánh dấu quá trình học tập đáng nhớ của ông chính là hoàn thành xong khóa học và nhận học vị tiến sĩ năm 2016, cũng năm này ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng khoa Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường. Thầy Nguyễn Thanh Tâm, giảng viên cùng khoa, bộc bạch: “Tôi học ở thầy Hiếu sự bản lĩnh và kinh nghiệm sống. Với tôi, thầy là một tấm gương về ý thức tự học, tự rèn, chủ động lĩnh hội kiến thức”. Tiến sĩ Hiếu đang chuẩn bị xuất bản quyển sách: “Phát huy vai trò của nông dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long”, đây cũng là luận án tốt nghiệp tiến sĩ của ông.

Sát thực tế, phù hợp với yêu cầu chính là nhận xét của nhiều người khi nói về kết quả đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh nhà. Đơn cử như đối với ngành giáo dục và đào tạo. Việc tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng tỷ lệ chuẩn giáo viên. Toàn tỉnh có trên 10.550 cán bộ quản lý, giáo viên và 100% đều đạt chuẩn. Thầy Huỳnh Văn Minh, giáo viên dạy môn vật lý, Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Năm 2007, tôi được chi bộ nhà trường xem xét, giới thiệu vào Đảng. Sau đó, được cử đi học thạc sĩ, kết thúc khóa học tôi cảm thấy tự tin hơn và có nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng môn dạy của mình”.

Đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ

Được đánh giá là có sự chuyển biến rõ nét sau khi được cử đi học lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bà Nguyễn Xuân Yên, cán bộ Dân vận Đảng ủy phường IV, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Trước đây, tôi phụ trách công tác chữ thập đỏ phường, chỉ mới được giao nhiệm vụ phụ trách dân vận khoảng 1 năm nay. Quả thật, khi mới được giao nhiệm vụ tôi thấy lúng túng và chưa biết rõ nhiệm vụ của mình. Hoàn thành xong lớp trung cấp lý luận chính trị, hành chính, tôi thấy mình hiểu và mạnh dạn hơn trong việc tham mưu, đề xuất ý kiến với lãnh đạo về công tác dân vận”.

Giống như bà Yên, từ  năm 2009 đến nay đã có hơn 10.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Vị Thanh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp về lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý Nhà nước, được bồi dưỡng theo chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Thành ủy, UBND thành phố Vị Thanh cũng đã điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo 182 lượt cán bộ. Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho biết: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua rất được tỉnh quan tâm. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chọn, cử đào tạo, bồi dưỡng phải đúng ngành nghề gắn với quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ”.

Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, Hậu Giang còn “trải thảm đỏ” thu hút nguồn nhân lực. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ. Từ năm 2005 đến 2017, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành 3 quyết định để hướng dẫn thực hiện nghị quyết của HĐND.

Cán bộ là nhân tố quyết định để phát triển trong mọi lĩnh vực. Cán bộ có năng lực mới đề ra được những chính sách phù hợp với thực tiễn. Cán bộ sáng tạo mới có cách làm hay, công chức giỏi mới tham mưu được chính xác… Việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang đưa Hậu Giang phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Chia sẻ của nữ tiến sĩ đầu tiên ở Hậu Giang

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang, sau khi bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ vào năm 2001, bà vinh dự là nữ tiến sĩ đầu tiên của các cơ quan Đảng ở tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ. Năm 2003, bà được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Vị Thanh; năm 2004 bà nhận nhiệm vụ là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn từ năm 2006-2009 bà là Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, sau đó, bà về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ năm 2012 đến nay bà là Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang.

Bà Nguyễn Thanh Thủy (đứng) trong một lần chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Bà Thanh Thủy chia sẻ: “Nhìn lại quá trình học tập nâng cao kiến thức, tôi cũng không biết sao lúc đó điều kiện học tập khó khăn như thế, mà có thể vượt qua được. Giờ nghĩ lại tôi thấy được học là một niềm hạnh phúc. So với lúc tỉnh mới chia tách thì nguồn nhân lực của Hậu Giang ngày nay thay đổi rất nhiều. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ ngày càng trưởng thành, tâm huyết, trách nhiệm và luôn vượt khó gắn bó với công việc và quê hương. Đây chính là vốn quý cần được phát huy. Tuy nhiên, theo tôi, công tác đào tạo, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới chỉ đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa các chức danh, các ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội còn hạn hẹp… Do vậy cần một sự đổi mới về cơ chế chính sách đồng bộ và hiệu quả hơn, nhất là tạo môi trường thuận lợi để tuổi trẻ phát huy tính năng động, sáng tạo trong lĩnh vực, ngành nghề phù hợp điều kiện phát triển tại tỉnh”. 

 

Theo số liệu thống kê, hiện nay cấp tỉnh có 818 người, cấp xã có 11 người có trình độ sau đại học (tiến sĩ có 10 người, 57 chuyên khoa cấp II, 216 chuyên khoa cấp I và 546 thạc sĩ ), 11.978 trường hợp trình độ đại học, 2.514 trường hợp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp là 3.564 trường hợp, còn lại là trình độ sơ cấp. Về trình độ lý luận chính trị, có 1.708 trường hợp có trình độ cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị có 6.765 trường hợp, còn lại là trình độ sơ cấp lý luận chính trị và chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Giai đoạn từ năm 2005 đến 2017 tổng số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng và có bằng tốt nghiệp sau đại học của tỉnh là 206.165. Hằng năm tỉnh dành hơn 27 tỉ đồng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>