Nhiều thành tựu lớn về Nghị quyết “tam nông”

04/12/2018 | 09:45 GMT+7

Nhằm khái quát lại những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông); đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế để có giải pháp khắc phục và đưa tinh thần nghị quyết ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần phát triển nông thôn và nâng cao đời sống cho người dân, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, xung quanh các vấn đề trên.

Ông Lê Tiến Châu (thứ 2 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà Hậu Giang đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết về “tam nông” ?

- Qua 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết, Hậu Giang đã thu được nhiều kết quả ấn tượng. Điển hình là tỉnh đã xây dựng được các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với quy mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đã chọn mũi chỉ đạo đột phá “5 cây - 5 con”, để tập trung phát triển theo chiều sâu. Cùng với đó là các loại nông sản có thế mạnh của tỉnh được đăng ký nhãn hiệu, nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường cả nước biết đến (hiện tỉnh có 10 mặt hàng nông sản chủ lực có nhãn hiệu hàng hóa). Đồng thời, tỉnh cũng tập trung chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất từng bước theo hướng tập trung, chuyên canh phù hợp với từng địa bàn. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh đến năm 2015 so với năm 2008 tăng bình quân 9,81%/năm và ở giai đoạn 2015-2017 tăng bình quân 6,43%/năm.

Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 33,84 triệu đồng/người/năm, tăng 3,15 lần so với năm 2008, trong đó thu nhập khu vực nông thôn đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3,78 lần so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực I tăng 5,77%, cơ cấu kinh tế khu vực I là 24,25%; 100% đường giao thông nông thôn từ ấp, khu vực đi về trung tâm xã có thể lưu thông bằng xe gắn máy, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch chiếm 96,3%, y tế, giáo dục, nhà văn hóa ấp được đầu tư khang trang. Đặc biệt, nhận thức và hành động của chính quyền địa phương và người dân đã chuyển từ nâng cao năng suất lao động sang giá trị của sản xuất, rồi ứng dụng công nghệ sinh học vào trong sản xuất nông nghiệp, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Thời gian qua, tỉnh đã cụ thể hóa những chương trình, chính sách nào liên quan đến nghị quyết về tam nông và mang lại những kết quả bước đầu ra sao, thưa ông ?

- Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã kịp thời quán triệt, triển khai rộng rãi đến cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân về các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, các nhóm chính sách hướng vào bảo vệ sản xuất, phòng chống thiên tai, dịch bệnh đã tạo điều kiện sản xuất ổn định, phát triển đời sống, kinh tế - xã hội của người dân nông thôn; các chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, liên kết nông dân và doanh nghiệp… đã góp phần tích cực vào phát triển quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Các nhóm chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, phát huy dân chủ cơ sở… đã tạo điều kiện thuận lợi để cư dân nông thôn phát huy vai trò làm chủ, tạo điều kiện tiếp cận với cơ hội hưởng lợi từ sự phát triển chung của cả nước; các nhóm chính sách hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo môi trường pháp lý để phát huy lợi thế so sánh của nông sản trong môi trường cạnh tranh...

Còn riêng chính sách về xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh thực hiện ra sao, thưa ông ?

- Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách liên quan đến công tác xây dựng NTM trên địa bàn, trong đó tập trung huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn, đồng thời đã đúc kết nhiều kinh nghiệm hay trong vận động các nguồn lực. Từ các nguồn lực có được đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn cho nhiều xã trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo được diện mạo ở các vùng nông thôn ngày càng khang trang trên các mặt. Về kết quả cụ thể của quá trình xây dựng NTM thời gian qua, Hậu Giang là địa phương có xã và đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của vùng ĐBSCL. Và đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 25/54 xã được công nhận xã NTM, chiếm gần 46,3%. 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết về tam nông, Hậu Giang còn gặp những vấn đề khó khăn gì, thưa ông ?  

- Một số vấn đề còn khó khăn của tỉnh, như: Công tác tuyên truyền tuy đạt được một số kết quả bước đầu nhưng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ và Nhân dân chưa nắm chắc và hiểu sâu nội dung Nghị quyết; cũng như chưa thấy rõ vai trò chủ thể của mình nên còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, giá trị sản xuất tăng chậm; thiếu thông tin về thị trường; việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa rộng khắp; tiếp cận vốn tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất còn hạn chế; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp còn nhiều bất cập và chưa hấp dẫn các doanh nghiệp vào đầu tư; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, công tác xây dựng NTM dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả tại các địa phương chưa đồng đều; một số tiêu chí chưa phù hợp với địa phương; có những tiêu chí yêu cầu đầu tư cao, hiệu quả sử dụng hạn chế; việc đầu tư nâng chất chưa đảm bảo. Song song đó, thu nhập và đời sống dân cư tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; công tác giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao; dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân cũng cần nỗ lực thêm mới đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so bình quân chung của cả nước…

Để Nghị quyết về tam nông ngày càng đi vào cuộc sống, đặc biệt là từng bước tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn thì theo ông trong thời gian tới tỉnh cần tập trung thực hiện những công việc gì ?

- Tới đây, lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về tam nông đã đề ra. Trong đó, tỉnh sẽ phát huy những mặt đã làm được trong thời gian qua, nhất là nhân rộng các mô hình về hoạt động hiệu quả của hợp tác xã, tổ hợp tác hay những mô hình sản xuất nông nghiệp. Cùng với nhân rộng mô hình là kêu gọi nhà đầu tư về chế biến tăng cường hợp tác và tiêu thụ nông sản cho bà con để sản phẩm được ổn định về đầu ra, qua đây góp phần mang lại hiệu quả trong việc định hướng tới đây người dân trong tỉnh cần trồng những cây gì trong thực hiện tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất sẽ vận động bà con ứng dụng tối đa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị các mặt hàng đã làm ra, từ đó gắn liền với nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập. Trong xây dựng NTM, các địa phương cần chú trọng cái thực chất, tức là phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bởi mục tiêu chính của việc xây dựng NTM muốn hướng đến là người dân hưởng được lợi ích gì chứ không phải là chính quyền. Vì vậy, việc có các mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao hay điều kiện chăm sóc sức khỏe, học hành của con em, việc đi lại… được tốt là điều cần thiết nhất của quá trình xây dựng NTM mà các ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền địa phương phải lưu ý trong thời gian tới.

Cùng với một số nhiệm vụ trọng tâm trên cần thực hiện trong thời gian tới, Hậu Giang có những kiến nghị gì đối với Trung ương, thưa ông ?

- Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về tam nông mà tỉnh đã gửi cho Trung ương thì cũng đề cập nhiều kiến nghị. Trong đó, kiến nghị trước tiên là Hậu Giang yêu cầu Bộ Chính trị tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại để xem những nội dung nào còn phù hợp thì tiếp tục đưa vào Nghị quyết để thực hiện trong thời gian tới; còn những nội dung nào không phù hợp thì có thể bỏ ra và cập nhật nội dung mới cho phù hợp với tình hình địa phương. Nếu được, Bộ Chính trị có thể ban hành Nghị quyết mới về tam nông để cho phù hợp với điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường trong điều kiện mới. Bên cạnh có, tỉnh cũng kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương có những chính sách đặc thù hơn và mạnh hơn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, có chính sách để cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với vốn tín dụng, cũng như chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp gắn với đầu ra. Ngoài ra, tỉnh còn một số kiến nghị khác, như: Cần có thể chế chính trị để tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất theo hướng người nông dân là cổ đông, là lao động của doanh nghiệp nhằm làm sao giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác cho bà con…

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>