Những người thầm lặng sau mỗi tác phẩm

16/06/2017 | 06:41 GMT+7

Ít ai biết được công việc lặng thầm, nhọc nhằn, nhưng luôn ở phía sau của những kỹ thuật viên, họa sĩ, morat.

Phòng Kỹ thuật thể hiện, Đài PT&TH Hậu Giang lúc nào cũng đông đúc, mỗi người đều làm việc cật lực…

Ẩn sau mỗi tác phẩm…

Ngày xưa, nghe tên phóng viên, người dân ít biết, nhưng giờ, thời đại bùng nổ thông tin, cần nhiều tin nên lực lượng này đông, họ đi nhiều, gặp gỡ nhiều và người dân biết họ cũng nhiều hơn, có không ít người đã trở nên nổi tiếng ở các địa phương, được ví như “ngôi sao” trong làng báo tỉnh nhà. Thế nhưng, mỗi sản phẩm khi đến với công chúng, ngoài công sức của các phóng viên, còn lại cả bộ phận phía sau hỗ trợ, giúp đỡ để nâng tầm tác phẩm, sửa chữa, dàn dựng thành một sản phẩm hoàn chỉnh, sẽ đông gấp nhiều lần lực lượng đi tác nghiệp trực tiếp. Chị Cao Thị Quỳnh Mai, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật thể hiện, Đài PT&TH Hậu Giang, chia sẻ: “Làm ở phòng dựng từ ngày mới chập chững vào nghề cách nay 20 năm, phải mày mò tự học để có thể dựng một tác phẩm cho phóng viên, nhất là những kỹ xảo làm cho tác phẩm sinh động, phong phú hơn. Nghề này người trước truyền lại người sau, cộng với sự chịu khó tìm hiểu, chia sẻ. Nhiều lúc tìm không thấy phần mềm hay, phải học từ trên sản phẩm của đồng nghiệp mà mình tâm đắc”… Sự nhọc nhằn thể hiện rất rõ ở phòng này khi cả ngày và đêm, không lúc nào Phòng Kỹ thuật thể hiện vắng người. Cực nhất là dựng các chương trình “Chuyển động Đông Tây”, “Tin tức Đông Tây”… cần đến 5 kỹ thuật dựng. Đó là chưa kể đến các tin tức thời sự, chuyên đề… Vì thế, lực lượng 20 người ở phòng này phải làm việc liên tục, theo ca và lúc nào cũng có người ở đây để xử lý giai đoạn quan trọng của sản phẩm là dựng hình.

Còn với báo in, tuy có nhẹ nhàng hơn đôi chút nhưng các kỹ thuật viên, họa sĩ vẫn phải căng mắt, căng não làm công việc sao cho tròn. Dò lỗi kỹ thuật, chính tả (morat) và dàn trang là hai khâu khá quan trọng và cuối cùng trước khi in báo. Khi bài của phóng viên đến được với phòng này, gần như là một sản phẩm hoàn chỉnh và lúc này, họa sĩ dàn trang sẽ dàn theo các chuyên mục được định sẵn. Lực lượng morat sẽ đọc và sửa những lỗi kỹ thuật cuối cùng trước và sau khi dàn trang, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ để hoàn thiện một trang báo. Thông thường, khi kết thúc trang có khi đã 19 giờ, thậm chí hơn họ mới được về. Họa sĩ Lê Thanh Điền, Phòng Thư ký Tòa soạn, Báo Hậu Giang, cho biết, công việc không khó, nhưng đòi hỏi mỗi người thiết kế phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm dàn trang từ những tờ báo khác. Chính anh, vào nghề vài tháng ở Báo Cần Thơ, đã về Hậu Giang bắt đầu một hành trình mới để chuẩn bị cho một tờ báo hoàn toàn mới. Tài liệu không, kinh nghiệm cũng không, nhiều lúc nản muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ, người ta làm được thì mình cũng vậy, nên mày mò tìm kiếm thông tin để bổ trợ, dần dần cũng thạo nghề, rồi vững vàng đi lên, lúc này bắt đầu sáng tạo nhiều hơn.

Cần sự đồng cảm, sẻ chia

Công việc họ lặng thầm, nhưng vất vả không kém phóng viên. Vì thế, để tìm được một sự thông cảm quả không dễ dàng. Như chị Trần Thị Thu Thảo, morat của Báo Hậu Giang, khoảng thời gian sau 15 giờ đến khi xong trang báo là cao điểm, nên việc rước con và chăm con trong khoảng thời gian này chị luôn “ưu tiên” cho chồng. Chồng chị cũng làm báo, am hiểu công việc của vợ, nên có sự chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ. Dù công việc là dò lỗi, nhưng phải có vốn kiến thức tương đối rộng, cập nhật những thông tin thời sự, các địa danh, chức danh… mới có thể kịp thời phát hiện những sai sót của tác giả, để từng bài viết được tròn hơn.

Với chị Cao Thị Quỳnh Mai, công việc bận rộn, gia đình lại ở thành phố Cần Thơ, con nhỏ, nhưng chị vẫn quyết tâm bám trụ. Chị cho biết: “Niềm đam mê thôi chưa đủ, tôi trụ được nhờ chồng và cha mẹ chồng hiểu và thông cảm với công việc, chăm sóc các con để tôi an tâm ở đây làm. Công việc cũng chẳng có ngày lễ, tết, nên hễ tranh thủ được là tôi tất tả chạy về để thực hiện nhiệm vụ của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình, để gắn kết tình cảm từng thành viên và cũng để tìm được niềm vui, giải tỏa áp lực công việc”.

Có những người thân hiểu công việc là niềm vui, chưa hiểu thì họ tìm đủ mọi cách để thuyết phục. Cần mẫn như những chú ong chăm chỉ, họ đã góp phần quan trọng làm nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Mỗi khi tác phẩm đến với mọi người, tác giả vui, buồn đón nhận nhiều thông tin trái chiều, thì họ cũng lẳng lặng chia sẻ với riêng mình nỗi niềm ấy, vì mình cũng góp chút công sức của mình vào. Khi tác phẩm ấy được vinh danh, họ cũng chúc mừng cho đồng nghiệp của mình, nhưng chợt có chút tủi thân vì chỉ tác giả được vinh danh, còn họ chỉ là những người thầm lặng ở phía sau… Nhưng những nỗi buồn ấy chỉ thoáng qua rồi biến mất. Với nghề này, chỉ có đam mê mới giúp họ vượt qua những khó khăn, vất vả trong công việc lẫn cuộc sống để bám trụ với nghề mà mình đã trót đeo mang…

* * *

Chia tay với những người lặng thầm ấy, trong lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Là một phóng viên, tôi luôn biết ơn họ, bởi có họ mà tôi có được một sản phẩm hoàn chỉnh để “trình làng”. Xin dành và gửi đến họ tất cả tình cảm và sự trân quý nhân “Ngày của Báo chí 21-6”…

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>