Trả lời kiến nghị của cử tri

20/10/2017 | 07:53 GMT+7

Cử tri kiến nghị:

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông Vận tải nhận được ý kiến của cử tri tỉnh Hậu Giang: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri biết được những tháng đầu năm 2017, tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp, tăng về số vụ và số người chết do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn kém; những điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát và có biện pháp khắc phục, chỉ đạo tổng kiểm tra chất lượng hệ thống công ty vận tải, tăng cường các biện pháp tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong nhân dân”.

Một vụ tai nạn giao thông ở đường 3-2, thành phố Vị Thanh. Ảnh: TRÍ THỨC

Bộ Giao thông Vận tải trả lời:

Những năm qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả xã hội quan tâm; nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài về bảo đảm TTATGT được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Kết quả, tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc có những chuyển biến tích cực. Liên tiếp trong 6 năm (từ năm 2011-2016), tai nạn giao thông đã được kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2017 (từ ngày 16-12-2016 đến 15-6-2017), cả nước xảy ra 9.593 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người, so cùng kỳ giảm 636 vụ (giảm 6,22%), giảm 229 người chết (giảm 5,25%), giảm 1.004 người bị thương (giảm 11,23%).

Tuy nhiên, đúng như phản ánh của cử tri, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số hạn chế: Số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường bộ; một số đơn vị kinh doanh vận tải còn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn kém... Đây thực sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

Để chấn chỉnh tình trạng này, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm về bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, chú trọng thực hiện các nội dung sau:

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT một cách đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo đảm TTATGT. Trong đó, tập trung sửa đổi các nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, hàng không.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, trong đó theo chủ đề Năm an toàn giao thông 2017 là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Các đơn vị chức năng đã và đang triển khai đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các khu, cụm công nghiệp; tuyên truyền quy định về bảo đảm TTATGT khi tham gia giao thông trên đường cao tốc...

- Triển khai rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; thực hiện điều chỉnh, bổ sung hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị an toàn giao thông, bổ sung rào hộ lan, đường cứu nạn trên các tuyến đường bộ qua khu vực đèo dốc quanh co; tăng cường thực hiện công tác thẩm định ATGT đối với các dự án xây mới, nâng cấp cải tạo đường bộ và các tuyến đường bộ đang khai thác có nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung vào một số lĩnh vực như: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt; việc kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách; việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; việc chấp hành pháp luật trong công tác tổ chức giao thông trên một số tuyến quốc lộ...

- Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các lực lượng thực thi công vụ, nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, khai thác hạ tầng giao thông và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT.

Bộ Giao thông Vận tải trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Hậu Giang đã quan tâm đến hoạt động của ngành và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của cử tri và của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới!

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>