Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Nông nghiệp thời hòa bình, xây dựng đất nước

20/10/2023 | 09:04 GMT+7

Thị xã Vị Thanh bước vào những năm đầu mới giải phóng, với bao công việc bộn bề của một đô thị vừa trải qua chiến tranh. Thế nhưng, bên cạnh ưu tiên xây dựng chính quyền, đoàn thể, ổn định đời sống - Thị xã ủy và UBND cách mạng lâm thời đã chỉ đạo ngay việc khôi phục sản xuất, xem đây là nhiệm vụ trung tâm số một.

Sau giải phóng, nông nghiệp của Vị Thanh có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, chính quyền thị xã cùng các phường, xã chỉ đạo phát động phong trào làm thủy lợi; huy động gần 40.000 ngày công trong 2 năm 1976-1977. Thị xã đẩy mạnh tuyên truyền nông dân thực hiện việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất lúa; ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng.

Từ những nỗ lực trên, diện tích vụ Đông xuân năm 1977-1978 đạt 376ha, giảm mạnh diện tích lúa mùa. Để hỗ trợ nhà nông, thị xã cố gắng đưa vật tư nông nghiệp đến tận phường, khóm, hộ sản xuất với hàng ngàn tấn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ và hàng trăm ngàn lít xăng, dầu theo giá quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, ngân hàng thị xã cho nông dân vay hàng trăm ngàn đồng đầu tư sản xuất. Buổi đầu khởi động chủ trương khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp thị xã Vị Thanh trong thời bình, đã gặt hái những thành tựu đáng kể.

Tháng 1-1978, thị xã Vị Thanh hợp nhất với huyện Long Mỹ, cấp hành chính thị xã trở thành thị trấn Vị Thanh. Tuy phạm vi thu hẹp, nhưng mặt trận sản xuất nông nghiệp vẫn là hàng đầu. Trong giai đoạn thực hiện chủ trương cải tạo nông nghiệp, thị trấn Vị Thanh vẫn chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, kế thừa sự chỉ đạo của thị xã trước đây.

Lúc này, xã bạn Vị Thanh được huyện Long Mỹ và tỉnh Hậu Giang chọn làm xã trọng điểm về cải tạo nông nghiệp, thành lập Hợp tác xã Thanh Bình. Song song đó, thị trấn Vị Thanh cũng tiến hành chủ trương hợp tác hóa, thành lập được 3 hợp tác xã nông nghiệp và 43 tập đoàn sản xuất. Đồng thời, ra sức thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất lương thực, góp phần giải quyết khó khăn chung của đất nước.

Tình hình sản xuất nông nghiệp giai đoạn này hết sức khó khăn, do vật tư thiếu thốn, chủ trương hợp tác hóa chưa đi vào hiệu quả. Toàn bộ diện tích lúa của thị trấn Vị Thanh là 2.619,51ha, trong khi vườn cây ăn trái chỉ còn 24ha, do bị hoang hóa trong chiến tranh chưa cải tạo được. Việc thâm canh, tăng vụ, tăng vòng quay của đất trong sản xuất còn chậm. Về khôi phục, phát triển cây màu, rẫy khóm, rẫy mía thường do người dân tự phát, thiếu sự quan tâm của địa phương.

Từ lúc Trung ương ban hành “Chỉ thị 100, khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của nông dân, nên các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có điều kiện mở rộng phương thức làm ăn, đây được xem như cách “cởi trói” cho nông dân, bởi các xã viên, tập đoàn viên chủ động được kế hoạch sản xuất, như: tự khai hoang phục hóa; mở rộng diện tích canh tác.

Giai đoạn huyện Long Mỹ tách ra, thành lập huyện Vị Thanh, thị trấn Vị Thanh trực thuộc huyện Vị Thanh, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất - nông nghiệp.

Dù quá trình thực hiện chủ trương làm ăn tập thể còn nhiều vướng mắc, khó khăn; đất đai nhân dân xáo trộn, nhưng thị trấn đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục, gỡ khó từng bước. Do đó, hàng năm diện tích, năng suất, sản lượng lúa đều tăng; đạt được các chỉ tiêu huy động lương thực của tỉnh, huyện giao. Đáng kể là nhờ làm tốt khâu thủy lợi, cơ giới hóa nên diện tích lúa mùa, được thay thế bằng diện tích lúa ngắn ngày, giống mới. Nhờ vậy, năng suất bình quân năm 1982 là 2.8 tấn/ha.

Bên cạnh cây lúa, cây khóm tại các xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến được chú trọng, toàn huyện Vị Thanh lên đến 3.500ha khóm. Nhà máy đông lạnh Hậu Giang thu mua khóm Cầu Đúc về chế biến xuất khẩu, tạo nên sự phấn khởi trong nông dân. Cây khóm, cây mía còn được bà con quan tâm phát triển tại vùng đất phèn trung bình ở các xã Hỏa Tiến, Vị Tân. Diện tích đứng hàng thứ hai sau lúa, bởi có nhiều lò đường hoạt động tiêu thụ nguyên liệu mía; ép nấu thành đường chảy (đường hũ) bán ra thị trường.

Lối ra cho nông nghiệp còn cho thấy ở chủ trương: nhà nước khuyến khích nông dân làm kinh tế phụ gia đình, theo mô hình VAC (vườn, ao, chuồng), đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng nhiều thêm. Nên, tạo thêm thu nhập nhà nông, nhất là vào những năm bị thiên tai sâu rầy, phá hại.

Khi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VI) ra đời, thừa nhận kinh tế nhiều thành phần, giải phóng sức sản xuất đã tác động mạnh cho những bước phát triển mới cho nông nghiệp Vị Thanh và các xã kế cận. Trung ương đầu tư đào kinh KH9 nối qua Vị Thanh, huyện nạo vét kinh Chín Thước và Rạch Gốc.

 Năm 1986, diện tích lúa tăng lên 2 vụ (Hè thu, Đông xuân) trên hầu hết đất ruộng; ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khâu thủy lợi tiếp tục hoàn chỉnh, góp phần đưa năng suất lúa tăng 3,03 tấn/ha (năm 1982: 2,8 tấn), bình quân lương thực mỗi người đạt 787kg/năm.

Cơ chế quan liêu bao cấp xóa bỏ dần, song song với xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, làm cho thị trường hàng hóa năng động trở lại. Chủ trương 3 thu của Nhà nước (thu mua, thu thuế, thu nợ) cũng dần hợp lý hóa. Từ đó, kích thích người nông dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc nông nghiệp, phát triển sản xuất “bung ra” góp phần tiếp tục gia tăng năng suất, sản lượng lúa.

Tuy có xảy ra một số trường hợp tranh chấp ruộng đất, nhưng nhìn chung tại địa bàn thị trấn mức độ không nghiêm trọng. Người nông dân vẫn phấn khởi sản xuất, đổi mới phương thức quản lý trong hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Tinh thần đổi mới còn tác động tạo chuyển biến tích cực như: Phong trào khuyến nông ra đời; giống mới được sử dụng nhiều thêm. Đặc biệt, là ứng dụng kỹ thuật canh tác IBM, hội thảo đầu bờ, cải tạo hệ thống kinh mương. Những nỗ lực trên đã mang lại kết quả khả quan: Giai đoạn 1989-1992 năng suất, sản lượng lúa cả thị trấn Vị Thanh tăng lên gấp 2 lần (năm 1989: 4 tấn/ha; năm 1992: 8 tấn/ha).

Giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến cuối năm 1996, tổng diện tích gieo trồng của thị trấn Vị Thanh đạt 3.456ha, hệ số sử dụng đất tăng 2,8 lần, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha; cải tạo được 70 ha vườn tạp. Bình quân lương thực đầu người 1.300kg/năm (năm 1995: 1.100kg/năm). Năm 1995, tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy đường nên cây mía phát triển mạnh. Đời sống nhân dân cải thiện đáng kể, qua từng bước vượt khó.

Giai đoạn 1996-1999, nông nghiệp thị trấn Vị Thanh tiếp tục phát triển: Diện tích lúa năm 1999 tăng lên 3 vụ/năm, sản lượng 18.900 tấn. Tập trung cải tạo được 237ha vườn tạp, để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>