Kinh tế Trung Quốc sẽ tổn thất nặng nề vì dịch bệnh corona

05/02/2020 | 18:07 GMT+7

Các chuyên gia nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề  do dịch viêm đường hô hấp do chủng vi-rút corona mới (2019-nCoV) gây ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cùng với thuế quan đang đè nặng lên Trung Quốc và nhiều nước, vi-rút corona có thể làm suy yếu đà tăng trưởng mong manh của kinh tế toàn cầu. Ảnh: AFP

Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ thiệt hại khoảng 60 tỉ USD trong quý I/2020 do dịch 2019-nCoV gây ra. Về lâu dài con số này sẽ còn tăng lên do tác động xấu từ nhiều phía từ dịch bệnh. Đến thời điển này, dịch bệnh đã khiến hơn 490 người thiệt mạng và trên 24.000 người khác bị nhiễm bệnh, đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc. Hàng loạt nhà máy phải tạm dừng hoạt động, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, giao thương với các nước tạm dừng, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, du lịch bị đình đốn...

Các nhà kinh tế cho rằng, liệu nền kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hay không sẽ phụ thuộc vào cách thức nước này xử lý dịch bệnh lây lan. Song nhìn chung triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm mạnh. Đây không phải tin tức tốt cho một nền kinh tế đã mất đà tăng trưởng trong những năm gần đây. CNN dẫn lời nhà kinh tế Patrick Perret-Green thuộc AdMacro cho rằng dịch 2019-nCoV và tác động xấu của nó có thể đẩy GDP của Trung Quốc năm 2020 giảm xuống mức 3,9%, xấp xỉ năm 1990.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể đưa ra nhiều chính sách điều tiết, chẳng hạn như nới lỏng tín dụng, kích thích tài chính, giảm giá đồng Nhân dân tệ để có thể khôi phục lại triển vọng tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Bắc Kinh có thể sẽ phải cắt giảm thuế, tăng chi tiêu và thậm chí phải cắt giảm lãi suất…

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BoC) cho biết sẽ cho phép người dân tại Vũ Hán và một số khu vực của tỉnh Hồ Bắc có thể hoãn thanh toán các khoản vay trong vài tháng tới nếu dịch bệnh đang lây lan ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân.

Dịch 2019-nCoV sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, hàng không thương mại, bán lẻ…

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết, dịch 2019-nCoV đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của đảo quốc sư tử. Chính phủ nước này đang xem xét các biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế cho người lao động thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng như du lịch.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ), ông David Dollar, đánh giá khá bi quan về khả năng hồi phục của thị trường Trung Quốc. Không chỉ Vũ Hán mà một vài thành phố khác của Trung Quốc cũng đã gần như bị đóng cửa hoàn toàn, hoạt động đi lại và du lịch bị cấm nghiêm ngặt, Trung Quốc có lý do để lo ngại về hoạt động kinh tế bị đứt đoạn trong thời gian dài.

Đáng quan ngại là dịch bệnh đã làm cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 gữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi bị đình trệ. “Sự gián đoạn xảy ra tại thời điểm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rất mong manh, có khả năng hạ thấp niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh mà thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mang lại”, chuyên gia Eswar Prasad khẳng định.

Mặc dù chuyên gia của Viện Brookings cho rằng kinh tế Mỹ khá độc lập và sẽ không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ Trung Quốc, nhưng với các quốc gia châu Á lân cận thì tác động này là sẽ không hề nhỏ. Theo CNN, kinh tế Trung Quốc có GDP 13.000 tỉ USD, lớn hơn cả 7 nền kinh tế tiếp theo của châu Á cộng lại. Do vậy nếu Trung Quốc tạm dừng giao thương với các quốc gia trong châu lục do dịch bệnh thì sẽ tác động rất xấu đến kinh tế hàng loạt quốc gia và toàn cầu.

Không ai biết trước được cuộc khủng hoảng sẽ nghiêm trọng đến mức nào và cũng chưa thể đánh giá được những thiệt hại mà 2019-nCoV gây ra đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đã có dự báo không mấy lạc quan rằng, dịch bệnh này sẽ khiến nền kinh tế thế giới “bốc hơi” hàng trăm tỉ USD. Hiện Trung Quốc và Mỹ đều có mối quan tâm chung trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên rất khó tìm lời giải thỏa đáng cho bài toán tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi dịch 2019-nCoV vẫn chưa được dập tắt.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>