Bộ Y tế: Thiếu thuốc điều trị bệnh trong danh mục bảo hiểm y tế do có nguyên nhân chủ quan

24/03/2023 | 10:15 GMT+7

Trong các đợt tiếp xúc cử tri cuối năm 2022, cử tri Hậu Giang phản ánh, tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh trong danh mục bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh công lập trên địa bàn tỉnh còn thiếu rất nhiều, số bệnh nhân đã và đang điều trị nội trú, ngoại trú, trong quá trình điều trị còn nhiều trường hợp bác sĩ phải kê toa thuốc cho người bệnh ra bên ngoài mua để trị.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (trái) tuyên truyền cho người dân ở cơ sở phòng ngừa dịch bệnh.

Cử tri nói, Bộ Y tế cần nghiên cứu, hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Đảm bảo thuốc điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay (tháng 1-2023), danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư số 30 ngày 30/10/2019 ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế và Thông tư số 05 ngày 17/3/2015 ban hành và hướng dẫn danh mục thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Về cơ bản, danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế hiện nay đã bao phủ các thuốc điều trị ở các chuyên khoa trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền.

Theo Bộ Y tế, hiện tượng thiếu thuốc ở một số cơ sở y tế công lập trong thời gian vừa qua có nguyên nhân chủ quan là do hạn chế nguồn cung do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm. Có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu. Tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp.

Bà Đào Hồng Lan trao đổi thêm về nguyên nhân chủ quan là tại một số đơn vị có tình trạng tồn tại công nợ với nhà thầu, do chưa được bảo hiểm xã hội thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh một số năm trước đó; một số nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan tới giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp; một số nhà thầu không tiếp tục tham dự thầu, không tiếp tục sẵn sàng giao hàng hoặc giao hàng với một số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn, gây nên tình trạng thiếu hụt thuốc sử dụng cho người bệnh. Nhiều gói thầu phải thực hiện đấu thầu lần 2, lần 3 vẫn không có kết quả vì không có nhà thầu dự thầu do giá hàng hóa trên thị trường đã biến động, tăng so với giá kế hoạch được lập.

Bổ sung cơ chế, chính sách về đấu thầu cho phù hợp

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu (bổ sung các cơ chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu cho phù hợp với tính đặc thù trong ngành y tế), Luật Giá, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế. Kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo cơ chế của Nghị quyết số 12/UBTVQH15 nhằm đảm bảo kịp thời nguồn thuốc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân; ban hành Nghị quyết số 144 ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi các nghị định về tài sản công; chỉ đạo các địa phương có trách nhiệm thực hiện Công điện số 778 của Thủ tướng Chính phủ, có trách nhiệm chủ động trong việc đấu thầu thuốc đáp ứng nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương.

Về phía Bộ, bà Đào Hồng Lan nói, để tiếp tục tăng nguồn cung đầu vào, Bộ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đã tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng gia khách quan để các đơn vị tham khảo giá. Ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 14 ngày 06/12/2022 về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành; theo đó đã bãi bỏ khoản 3, Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT.

Đẩy nhanh đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, bảo đảm thời gian, tiến độ, đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện. Rà soát lại danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá. Nâng cao năng lực cho đơn vị có chức năng đấu thầu tập trung quốc gia, đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất và trang thiết bị y tế phục vụ ngành.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đấu thầu tập trung cấp địa phương: triển khai thực hiện Công điện số 778 ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên được phân công tham gia đấu thầu; công bố rộng rãi ngay kết quả đấu thầu cho các đơn vị khác tham khảo khi thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để phát hiện kịp thời những hạn chế, sai sót và rút kinh nghiệm trong công tác đấu thầu.

Cử tri Hậu Giang đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung chế độ phụ cấp từ 40% lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 56 ngày 04/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, hiện Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56 ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở; hiện nay, đang trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>