Trả lời kiến nghị của cử tri

17/02/2023 | 08:25 GMT+7

Đoàn cán bộ thăm người có công (thứ 2 từ phải qua) ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ.

Cử tri kiến nghị:

Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức tại Điều 5 của Nghị định số 138 ngày 27/11/2020 của Chính phủ có quy định ưu tiên trong tuyển dụng công chức. Kiến nghị bộ liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét bổ sung nhóm đối tượng là cán bộ không chuyên trách ở cơ sở có quá trình công tác từ 10 năm trở lên vào nhóm đối tượng ưu tiên.

Bộ Nội vụ trả lời:

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cử tri (có cử tri tỉnh Hậu Giang) để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về tuyển dụng công chức cấp xã cho phù hợp.

Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật, đề nghị tỉnh Hậu Giang thực hiện việc tuyển dụng công chức cấp xã theo đúng quy định tại Nghị định số 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13 ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Cử tri kiến nghị:

Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định cho thân nhân người có công khi từ trần được nhận mai táng phí, không phân biệt cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con cháu. Theo quy định, khi người có công từ trần, đại diện thân nhân (đối với người có công còn cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con) được nhận mai táng phí theo quy định là 10 lần mức lương cơ sở và được nhận thêm 3 tháng trợ cấp. Nhưng đối với người có công từ trần khi không còn thân nhân (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con), mà lúc còn sống (có thể ở với cháu) thì người phụng dưỡng chỉ được nhận mai táng phí theo quy định là 10 lần mức lương cơ sở mà không được nhận thêm 3 tháng trợ cấp như thân nhân (cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.

Theo đó, thân nhân người có công là những người mà người có công khi còn sống sẽ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng (như: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (chồng) và con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học, đối với con liệt sĩ trên 18 tuổi nhưng bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng cũng được xem xét, giải quyết trợ cấp), do đó, khi người có công từ trần thì đại diện thân nhân sẽ nhận được thêm trợ cấp một lần với mức bằng 3 tháng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Quy định như trên là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước và tổng thể chính sách chung hiện nay.

Cử tri kiến nghị:

Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung quy định cho đối tượng là người hoạt động kháng chiến được tặng Huân chương kháng chiến, được hưởng chế độ 1 lần, nhưng không có hưởng các chế độ khác, thì được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng như Nhân dân có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:

Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 131 ngày 30/12/2021 của Chính phủ. Các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng được xây dựng trên cơ sở công lao, đóng góp của từng đối tượng. Việc quy định chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được tặng Huân chương kháng chiến hưởng trợ cấp một lần như hiện nay là phù hợp.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>