Sách hay về “Chiến tranh biên giới Tây Nam”

09/08/2017 | 09:02 GMT+7

Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành 2 tác phẩm về chiến tranh biên giới Tây Nam, một của nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn và một của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Dưới sự trải nghiệm và góc nhìn đa chiều của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác phẩm “Lính Hà” gợi lên chân dung những người lính Thủ đô đương thời, có sự kế thừa của thế hệ đàn anh đi trước, cũng mơ mộng, tình si nhưng không kém phần hào hoa. Họ gác bỏ mọi thứ để hành quân về phương Nam vào những năm 1979, thời kỳ khốc liệt, cam go, nhiều hy sinh, gian khổ. Những trang văn gần gũi, như lời thì thầm với chính mình, đã nói lên tâm tư, tình cảm của những người lính trẻ. Với bầu máu nóng, họ không tính thiệt, so hơn, quyết tâm ra đi để bảo vệ Tổ quốc. Có những người trở về, có những cái chết không hẹn trước và cũng có những chuyện riêng lắm nỗi buồn của những chàng trai trẻ… Tất cả hiện lên qua từng trang viết được soi thấu bằng tâm hồn đồng điệu, đồng cảm và sẻ chia. Tác giả đã quan sát, trò chuyện, sống cùng những người lính, rồi cảm nhận qua những trang nhật ký viết vội, qua những lúc nghỉ chân trong những cuộc hành quân đường rừng… Tất cả đều trở về qua từng trang viết, làm xao xuyến lòng người…

“Mùa chinh chiến ấy” là những dòng hồi ký của một người lính từng trực tiếp cầm súng chiến đấu. Đoàn Tuấn sau này trở thành nhà biên kịch tài hoa. Tác giả đã tận dụng tối đa khả năng quan sát để ghi chép tỉ mỉ của một người lính thông tin, để tạo nên một bức tranh sống động, dù chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng đọc những trang viết của ông, hiện thực gần gũi đến trần trụi hiện ra trước mắt độc giả sinh động như một giấc mơ tuổi trẻ khốc liệt nhưng rất đẹp, rất hào hùng. Tác giả đã chắt chiu ghi lại thói ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến, những chặng đường hành quân cũng như phong tục kỳ của đất nước bạn giai đoạn 40 năm trước. Chiến trường K những năm đầu 1979 đến 1980 là nơi bộ đội Việt Nam đối diện với kẻ thù tàn độc, môi trường xa lạ, khắc nghiệt hơn cả hai cuộc kháng chiến trước đó… 5 năm ở chiến trường này, ông cũng là người lính trẻ, nhưng trong ký ức của một người trung niên hôm nay, chất trẻ ấy vẫn được giữ nguyên vẹn, đầy ắp chi tiết để tái hiện lại cả một giai đoạn lịch sử vẫn còn nóng hổi. Va chạm nhiều với cuộc sống làm cho trang viết của ông không chỉ thực, mà còn lay động bằng nhiều hình ảnh đời thường, nhẹ nhàng.

Giai đoạn sau năm 1975, những tưởng sau một thời gian dài tăm tối, ánh sáng đã soi rọi khắp miền quê Việt, nhưng cuộc chiến tranh biên giới tiếp tục gây ra bao mất mát, đau thương. Hai tác phẩm này tiếp tục vẽ lại bức tranh về cuộc chiến ấy dưới góc nhìn của những người trong cuộc, có độ lùi đủ sâu để hiểu thấu đáo, có đủ trải nghiệm cuộc sống để tạo nên những trang văn không chỉ chân thực, sinh động mà còn lay động lòng người. Không ồn ào, lên gân, thần thánh hóa cuộc chiến, bộ đội Việt Nam, mà sự thật với tất cả sự trần trụi, khốc liệt được bóc trần.

Tác phẩm ngồn ngộn chất liệu cuộc sống, dày dặn tình cảm, cảm xúc, đã truyền được ngọn lửa hào hùng, trái tim nhiệt huyết cho độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, để thêm hiểu, thêm yêu và trân quý giá trị của độc lập, tự do dân tộc. Bởi nó đã được đánh đổi bằng sinh mạng của bao lớp người. Để từ đó, mọi người của hôm nay ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng là thế hệ kế thừa, với bao máu xương đã đổ.

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>