Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 26-9: ADB: Tỷ lệ tăng trưởng cao của Việt Nam năm nay vẫn khả thi

26/09/2024 | 15:06 GMT+7

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu; Đề xuất dành tới 4.000 tỷ đồng để giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp; Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới, lần đầu tiên gần ngang ngửa giá vàng miếng

ADB: Tỷ lệ tăng trưởng cao của Việt Nam năm nay vẫn khả thi

 

Ảnh minh họa

Thông tin trên là nhận định trong Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố sáng 25/9.

Theo ADB, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính, nhất là các mặt hàng điện tử. Lạm phát cả năm nay được dự báo ở mức 4%, nằm trong mục tiêu kiểm soát, dù có thể chịu tác động bởi giá dầu do xung đột ở Trung Đông.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, sẽ tác động đến xuất khẩu cuối năm. Do đó ADB khuyến nghị, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng và dịch vụ trong nước.

Chính sách tiền tệ, tài khoá cần tập trung vào 2 mục tiêu: Ổn định giá cả và hỗ trợ tăng trưởng, qua đó giúp cải thiện tiêu dùng - sản xuất trong nước. Vốn đầu tư công phải được giải ngân nhanh hơn, vì đến nay mới đạt một nửa mục tiêu đề ra.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá: "Tôi cho rằng, một tỷ lệ tăng trưởng cao của Việt Nam trong năm nay vẫn khả thi nếu đầu tư công trong những tháng tới được thúc đẩy mạnh mẽ. Chúng ta cũng cần hiểu rằng dù mức tăng trưởng thực tế là bao nhiêu thì quan trọng nhất vẫn là tính bền vững và bao trùm của tăng trưởng để mọi người dân đều được hưởng lợi. Đây là việc mà Việt Nam đã làm tốt trong thời gian qua.

Nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay là do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Đây là nền tảng tốt để vượt qua những thách thức do thiên tai và bất ổn trên toàn cầu".

OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

 

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế được công bố ngày 25/9, OECD dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, tăng nhẹ so với dự báo 3,1% trước đó. Mức dự báo tăng trưởng của năm 2025 vẫn được giữ ở mức 3,2%.

Theo OECD, tăng trưởng toàn cầu vẫn vững chắc, thương mại được cải thiện và lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tại Mỹ và châu Âu đã có động thái giảm lãi suất.

Trong khi nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu, OECD cũng cảnh báo tình trạng nợ công gia tăng, thúc giục các chính phủ có biện pháp mạnh mẽ hơn để kiềm chế chi tiêu và tăng doanh thu.

Ông Alvaro Pereira - Chuyên gia kinh tế trưởng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết: "Về cơ bản, kinh tế toàn cầu có bức tranh lành mạnh về mặt tăng trưởng, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ rằng tăng trưởng còn có thể tốt hơn nữa. Để làm được điều đó, các nước cần khôi phục đầu tư và đảm bảo rằng có được các chính sách tốt.

Chúng tôi nghĩ rằng, trong chính sách tiền tệ, các nước vẫn có dư địa để hạ lãi suất, nhưng điều quan trọng là phải hành động thận trọng. Chính sách tài khóa nên thay đổi, và các nước nên quay lại với kỷ luật và sự thận trọng về tài khóa. Việc tiếp tục tiến hành các cải cách là điều rất cần thiết".

Cũng trong báo cáo của mình, OECD đã dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại từ mức 2,6% trong năm nay xuống còn 1,6% vào năm 2025 mặc dù việc cắt giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế.

Tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ chậm lại từ mức 4,9% trong năm 2024 xuống còn 4,5% vào năm 2025, khi nhu cầu nội địa và thị trường bất động sản chưa có nhiều cải thiện.

Ở chiều ngược lại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản được dự báo sẽ có sự khởi sắc đáng kể, với các mức tăng trưởng lần lượt là 1,3% và 1,4% trong năm tới.

Đề xuất dành tới 4.000 tỷ đồng để giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp

 

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo dự thảo, hai phương án giảm tiền thuê đất được đưa ra đó là: Phương án 1 giảm 15% so với số tiền thuê đất phải nộp của năm và phương án 2 giảm 30% so với số tiền thuê đất phải nộp.

Mức giảm này được áp dụng trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024, không bao gồm các khoản nợ của các năm trước và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất, theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật thì mức giảm tiền thuê đất quy định này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ.

Đối tượng được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất bao gồm các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp. Dù là những đơn vị đang được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định hiện hành hay chưa, tất cả đều có thể được xem xét giảm thêm trong năm 2024.

Với hai phương án trên, dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ giảm từ 2.000 - 4.000 tỷ đồng tiền thuế đất trong năm 2024. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính đây là một sự đánh đổi cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Bộ Tài chính cho rằng hiện nền kinh tế vẫn gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững.

Để được hưởng chính sách này, người thuê đất chỉ cần nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất đến cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền. Người thuê đất cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin, đảm bảo đúng đối tượng được giảm tiền thuê đất.

Việc giảm tiền thuê đất được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua, sớm phục hồi sản xuất.

Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới, lần đầu tiên gần ngang ngửa giá vàng miếng

 

Ảnh minh họa

Giá vàng nhẫn hôm nay 26/9 đạt ngưỡng cao nhất lịch sử khi leo lên mức 83 triệu đồng/lượng, chỉ còn thấp hơn giá vàng miếng 500.000 đồng/lượng.

10h sáng nay, giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 82 - 83 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn được SJC niêm yết ở mức 81 - 82,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.

Trong khi đó, giá vàng miếng được Doji và SJC cùng niêm yết ở mức 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Như vậy có thể thấy giá vàng nhẫn và giá vàng miếng gần như đã tiệm cận nhau. Khoảng cách 500.000 đồng/lượng là mức chênh lệch chưa từng có giữa 2 loại vàng này.

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng và đứng ở ngưỡng cao nhất lịch sử do giá vàng thế giới hiện cũng đang đạt đỉnh. Sáng nay, giá vàng thế giới được niêm yết trên Kitco ở mức 2.657 USD/ounce, không đổi so với đầu giờ sáng qua.

Giá vàng trụ vững trên ngưỡng cao trong bối cảnh các nước đồng loạt tìm biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và căng thẳng tại Trung Đông leo thang chưa thấy điểm dừng.

Bên cạnh đó USD giảm giá, thúc đẩy các loại hàng hóa giao dịch bằng đồng tiền này, trong đó có vàng đi lên.

Không chỉ Mỹ và một số nước châu Âu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa công bố kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ. Hoạt động bơm tiền vào nền kinh tế thêm động lực thúc đẩy vàng đi lên.

Chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của Exinity Group cho rằng, đà tăng của vàng trong những ngày qua được thúc đẩy bởi sự lạc quan của thị trường vào một động thái mạnh mẽ nữa từ Fed. Tan cho rằng, sẽ không nhiều trở ngại để vàng có thể chạm mốc 2.700 USD/ounce vào cuối năm 2024.

Chuyên gia này còn lạc quan hơn khi cho rằng vàng thậm chí có thể chinh phục mốc 3.000 USD/ounce nếu cơ hội hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ tiêu tan.

Chiến lược gia thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures cho rằng, vàng có thể chinh phục mốc 2.700 USD/ounce trong tuần này nếu thị trường lao động suy yếu và các quan chức Fed đều tái khẳng định việc cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới.

Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng thỏi đã tăng hơn 28% nhờ được thúc đẩy bởi chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương và các vấn đề địa chính trị. Giám đốc giao dịch kim loại David Meger của High Ridge Futures cho rằng căng thẳng địa chính trị trên khắp Trung Đông và các biện pháp kích thích kinh tế lớn do Trung Quốc đưa ra tiếp tục hỗ trợ giá vàng tăng cao trong suốt nhiều tuần qua.

Theo chiến lược gia hàng hóa cấp cao Daniel Hynes của ANZ, sự suy yếu của USD với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm cũng thúc đẩy nhu cầu của các nhà đầu tư đối với vàng.

HOÀI TÂM tổng hợp

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>