Trợ lực cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số

27/09/2024 | 06:14 GMT+7

Sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhà mới, chuyển đổi nghề, đầu tư phát triển sản xuất từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Anh Danh Sậy sử dụng vốn vay nuôi trâu đã mang lại hiệu quả.

Đòn bẩy giúp hộ thoát nghèo

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Long Mỹ, cho biết: Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị định số 28). Qua 2 năm triển khai thực hiện chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở 2 xã Xà Phiên và Lương Nghĩa, NHCSXH đã tổ chức triển khai tích cực, góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về nhà ở và chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn.

Tính đến cuối tháng 8, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP trên địa bàn huyện Long Mỹ đạt trên 16,9 tỉ đồng với 426 hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số được vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ nhà ở trên 1,6 tỉ đồng với 41 căn nhà đã được xây dựng. Cùng với các chương trình cho vay khác của NHCSXH, hoạt động cho vay theo Nghị định số 28 mang nhiều ý nghĩa thiết thực, với mức cho vay ưu đãi, lãi suất thấp, phù hợp với điều kiện sinh sống của người dân vùng đồng bào dân tộc nghèo ở xã đặc biệt khó khăn. Nguồn vốn cho vay để chuyển đổi nghề và xây dựng nhà ở, giúp bà con thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi trâu, bò, nuôi heo, nuôi trồng nguyên liệu lục bình, sản xuất thủ công mỹ nghệ... Qua kiểm tra cho thấy đa số hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Với sự giúp đỡ của hội đoàn thể, trưởng ấp và Ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn, hiện nay có trên 70% hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có ý thức gửi tiết kiệm định kỳ để tích lũy nguồn vốn. Nguồn vốn vay cho hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy hiệu quả. Đến nay, có nhiều gia đình hộ nghèo là dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Xà Phiên và Lương Nghĩa có nguồn thu nhập ổn định, thúc đẩy tỷ lệ thoát nghèo hàng năm trong đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên năm sau cao hơn năm trước.

Trước đây, gia đình anh Danh Sậy, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ các chương trình tín dụng chính sách đã giúp gia đình anh vươn lên trong cuộc sống và đã thoát được hộ nghèo. Anh Sậy phấn khởi chia sẻ: “Lúc trước, do hoàn cảnh khó khăn gia đình tôi đã cầm cố đất. Nhờ có những chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, các ngành đã giúp gia đình được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp tôi chuộc lại được 1,5 công đất, gia đình tôi rất vui mừng”.

Bên cạnh đó, gia đình anh Sậy còn được vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường để đóng cây nước sử dụng. Vui hơn là thêm một lần nữa gia đình anh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay, anh mua được 3 con trâu cái tơ. Sau một năm nuôi, trâu đã đẻ được 1 trâu con. Hiện tại, thêm một con trâu mẹ đang mang thai. A Sậy cho biết, gia đình đã được hỗ trợ vay vốn thì phải cố gắng đóng lãi cho ngân hàng cho đúng thời gian quy định. Ngoài việc trồng cỏ, cắt cỏ cho trâu ăn, anh còn tranh thủ đi làm thuê cho các hộ dân xung quanh và đi bắt cá bán ngoài chợ để trang trải cuộc sống, đóng lãi, gửi tiết kiệm cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Còn gia đình ông Danh Dết, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cũng thoát hộ nghèo hơn 1 năm nay. Ông Dết cho biết: “Có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền đã hướng dẫn giúp hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ những chương trình dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn vay gia đình tôi mua được 2 con trâu, đồng thời được huyện hỗ trợ thêm 3 con bò từ mô hình sinh kế. Để đáp lại sự quan tâm này, mọi người gia đình tôi cố gắng làm ăn để kinh tế gia đình phát triển hơn nữa”.

Tiếp tục phát huy nguồn vốn tín dụng

Ông Danh Sen, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Tôi vô cùng cảm ơn chính quyền các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội đã quan tâm đến các hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp hộ có vốn làm ăn, có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Khi được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, tôi mua 2 con trâu và làm chuồng trại. Đến nay, có con trâu mẹ chuẩn bị đẻ. Tôi thấy, mô hình nuôi trâu rất phù hợp với gia đình và con trâu là loại động vật khỏe mạnh, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cỏ nên cũng dễ tìm, ít tốn kém chi phí, từ đó sẽ thu lời nhiều hơn”.

Theo ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Nghĩa, từ khi có Nghị định số 28 đã giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện về nguồn vốn phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Bình quân hội viên trong Hội Nông dân xã mỗi năm đều thoát nghèo vượt chỉ tiêu đề ra. Điển hình năm 2023 thoát nghèo 12 hội viên, vượt 10 hội viên so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, để nguồn vốn phát huy hiệu quả hơn nữa, cũng như tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn hiệu quả, có đủ vốn để mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân xã đề nghị ngân hàng nên nâng nguồn vốn cho vay. Bên cạnh đó, để hộ vay sử dụng vốn hiệu quả hơn thì Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, vận động hộ tham gia mô hình tổ hợp tác, kinh tế tập thể.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Mỹ, cho biết: Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 28, phòng giao dịch thường xuyên tham mưu UBND huyện, chủ động phối hợp với các ngành chức năng liên quan, các địa phương xây dựng quy trình hướng dẫn rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, công khai minh bạch chủ trương cho vay. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các cấp, các ngành và người dân. Trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp với ban, ngành, địa phương rà soát và xử lý kịp thời những khó khăn, tồn tại, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được tiếp cận vốn đầu tư phát triển sản xuất, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>