Bệ phóng từ mô hình kinh tế tập thể

11/02/2024 | 09:13 GMT+7

Sau 20 năm thành lập tỉnh, phong trào KTTT, HTX của tỉnh có bước phát triển khá tốt, hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp được tăng lên đáng kể.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cùng các ngành liên quan của tỉnh và địa phương luôn quan tâm thăm hỏi, động viên để tạo động lực cho các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển.

Tăng cường liên kết sản xuất

 Rảo quanh cánh đồng lúa Đông xuân rộng hàng trăm héc-ta của HTX đang chín vàng, ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, thông tin rằng trong quá trình sản xuất hiện nay, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, để nâng cao giá trị nông sản, ngoài vấn đề quan tâm đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa thì việc liên kết sản xuất để tạo ra lượng hàng hóa lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang là xu thế bắt buộc. Vì vậy, không có con đường nào khác là nông dân phải tham gia vào các mô hình KTTT để có hướng đi phù hợp. Minh chứng như tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Kiến Thành, sau thời gian hoạt động hiệu quả, đến nay HTX có hơn 253ha đất sản xuất lúa, với 239 thành viên.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX nông nghiệp với doanh nghiệp đối tác trên địa bàn tỉnh đã trở nên khá phổ biến và mang lại lợi ích thiết thực. Cụ thể là trong chuỗi liên kết với doanh nghiệp, HTX đã phát huy tốt vai trò KTTT để tổ chức các hành động tập thể giữa hộ nông dân là thành viên HTX cùng nhau áp dụng chung quy trình kỹ thuật trong sản xuất nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn đóng vai trò cầu nối và thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp, đồng thời cũng điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi.

Ông Lâm Trường Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho hay: Để giúp người trồng khóm Cầu Đúc nơi đây an tâm sản xuất và có nguồn thu nhập cao, thời gian qua, HTX đã xây dựng tốt mối liên kết giữa nông dân trồng khóm với HTX và doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể là hàng năm, HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu và thu mua sản phẩm khóm cho thành viên và những hộ trồng khóm liên kết với sản lượng hơn 1.500 tấn trái/160ha. Bên cạnh đó, HTX cũng đã liên kết với một số công ty chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh để đảm bảo thị trường tiêu thụ khóm cho bà con khi vào đợt thu hoạch.

Điểm nhấn trong việc phát huy tính liên kết sản xuất của mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh là hiện Hậu Giang đã thành lập được 4 liên hiệp HTX cùng ngành nghề trên lĩnh vực lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Việc thành lập các liên hiệp này đã và đang phát huy những mặt tích cực khi góp phần làm tăng số lượng thành viên từ 20-30 thành viên/HTX lên 200-300 thành viên/liên hiệp HTX, với diện tích đất liên kết sản xuất lên đến hàng chục ngàn héc-ta; từ đó các thành viên sẽ cùng tạo ra sản phẩm hàng hóa vô cùng lớn nên thuận lợi trong việc đàm phán với doanh nghiệp có được giá bán tốt nhất, quy trình sản xuất đồng nhất và có sản lượng tốt nhất để hợp tác lâu dài với đối tác.

Không ngừng quan tâm phát triển

Thời gian qua, mô kình KTTT ở Hậu Giang luôn nhận được sự quan tâm của ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở. Điển hình như tại HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vào năm 2020, HTX được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm từ khóm, như: rượu khóm, mứt khóm, siro, nước màu, dưa chua, củ hủ khóm… Bên cạnh đó, tỉnh cũng có dự án hỗ trợ đăng ký, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho vùng khóm của HTX.

Nhiều thành viên HTX trồng lúa trên địa bàn tỉnh khi tham gia liên kết sản xuất được cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định.

Bà Lý Hồng Tiên, Giám đốc HTX Hậu Giang Xanh, ở phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: Cùng với sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của các ngành, các cấp về các chính sách, còn được hỗ trợ về thiết bị máy móc giúp các sản phẩm làm ra tăng tính cạnh tranh nên hơn 2 năm qua HTX đã đưa nhiều mặt hàng OCOP 3 sao và 4 sao được chế biến từ cá thát của HTX đi xâm nhập vào các thị trường lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Đặc biệt, trong quá trình phát triển thì các thành viên HTX còn được hỗ trợ đổi mới bao bì, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá và mở rộng thị trường đầu ra rất hiệu quả.

Hiện tại, quy mô, chất lượng sản phẩm của các HTX trong tỉnh đã được nâng lên, tạo lập và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị, gắn phát triển HTX với khai thác, phát huy các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương như: lúa gạo, trái cây, thủy sản… Ngoài ra, trong quá trình củng cố, nâng chất các HTX cũ và thành lập mới đã được đẩy mạnh theo hướng tích cực, đa dạng hóa về ngành nghề và dịch vụ, từ đó đáp ứng được nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa trong nông nghiệp.

Ngoài tăng cường tính liên kết trong sản xuất thì nhiều HTX cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Cụ thể là đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 251 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó chủ thể là HTX có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh chiếm gần 30%. Qua đây, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về những mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước.

Trong quá trình củng cố nâng chất các HTX cũ và thành lập mới đã được đẩy mạnh theo hướng tích cực, đa dạng hóa về ngành nghề và dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa nông nghiệp. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Mô hình KTTT đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Thời gian tới, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho lĩnh vực KTTT ngày càng hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho thành viên, từ đó xây dựng quê hương ngày càng thêm đổi mới.

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>