Hàng Việt phải tốt, giá rẻ thì người tiêu dùng mới lựa chọn

15/03/2018 | 16:24 GMT+7

Nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa ngày một tốt hơn là con đường và mục tiêu duy nhất để nâng cao uy tín, niềm tin và sự lựa chọn của hơn 95 triệu người dân Việt Nam đối với hàng Việt Nam.

Hàng Việt Nam ngày càng chiếm thị phần nhiều trong các siêu thị

Hội nghị đánh giá kết quả tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 đã được Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Ban chỉ đạo) tổ chức ngày 15-3, tại Hà Nội

Việc triển khai thực hiện Kết luận 264/KL-TW, ngày 31-7-2009 của Bộ chính trị về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng các cấp lãnh đạo triển khai ngày càng đi vào chiều sâu.

Tuy nhiên, ban chỉ đạo nhận định công tác tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường. Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn chưa được thường xuyên.

Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kiến nghị Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam có đủ thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam.

Tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các sản phẩm Việt Nam của các ngành hàng như giấy, bưu điện, lương thực, xi măng, may mặc, viễn thông… đã trở thành sự lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Mẫn, thực tiễn còn rất nhiều vấn đề bất cập và hạn chế cần rút kinh nghiệm từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đối với cuộc vận động. Về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có lúc, có nơi chưa được coi trọng đúng mức, đòi hỏi cần thẳng thắn nhìn vào những điểm còn chưa tốt, cần tập trung khắc phục để cuộc vận động thực sự có hiệu quả.

Trong năm 2018, theo nhận định chung thị trường sẽ có nhiều thách thức. Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2018 các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất xuống còn 0%-5%. Việc Việt Nam cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hướng đến một nền kinh tế mở- là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt, là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Bên cạnh sự quyết tâm của Chính phủ thì cấp dưới thực hiện chưa tới, chưa quyết liệt vì thế mà nhiều chi phí vẫn chưa giảm; thủ tục hành chính, thuế vẫn còn nhiều bất cập…Những khó khăn, bất cập đó làm cho các doanh nghiệp nội khó cạnh tranh được ngay trên sân nhà, chưa thực sự tạo điều kiện để sản phẩm nội cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, đòi hỏi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa…

Hội nghị về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Vì vậy, các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa ngày một tốt hơn là con đường và mục tiêu duy nhất để nâng cao uy tín, niềm tin và sự lựa chọn của hơn 95 triệu người dân Việt Nam đối với hàng Việt Nam. Cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng hàng Việt thì việc tạo điều kiện, tạo động lực, khuyến khích từng doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu, thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng và cạnh tranh.. là vấn đề cốt lõi.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chỉ khi hàng Việt tốt, giá rẻ thì người tiêu dùng mới lựa chọn, còn không không thể vận động họ dùng hàng Việt chưa bảo đảm chất lượng và giá cả cạnh tranh. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đến nay có thể nói 100% biết đến hàng Việt. Vì vậy, cần đẩy mạnh cuộc vận động để mỗi năm tăng thêm lượng người tiêu dùng lựa chọn mua hàng Việt.

Theo PHAN THẢO/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>