Hậu Giang đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp

01/11/2017 | 08:18 GMT+7

Những năm gần đây, các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã, mô hình trồng tràm phát triển mạnh đã mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ngành chức năng hỗ trợ tràm giống cho người dân.

Trồng rừng phát triển mạnh

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện Phụng Hiệp có 90ha đất trồng mới cây tràm. Tập trung nhiều ở xã Phương Phú khoảng 50ha, còn lại nằm rải rác ở thị trấn Búng Tàu, xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Phương Bình, Hòa An. Theo Hạt Kiểm lâm huyện, năm nay người dân tự chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây tràm khá nhiều. Mới đây, đơn vị đã tổ chức hỗ trợ tràm giống đợt 3 cho người dân. Tính từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ trên 130.000 cây tràm bông vàng và trên 200.000 cây tràm úc. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân ngay từ giai đoạn mới xuống giống.

Trước đây, ông Nguyễn Văn Nhu, ở ấp Phương Quới B, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp chỉ thử trồng tràm trên diện tích đất khoảng 0,1ha. Do nhận thấy đây là loại cây ít tốn công chăm sóc nên ông đã mạnh dạn phát triển loại cây này trên toàn bộ diện tích khoảng 1,6ha. Hiện nông dân này rất phấn khởi sau khi nhận hỗ trợ cây giống từ Hạt Kiểm lâm địa phương. Ông Nhu bộc bạch: “Qua thử nghiệm, tôi thấy loại cây này dễ thích nghi trên những vùng đất canh tác kém hiệu quả và nhu cầu thị trường cần khá nhiều. Dự định sau khi nhận nguồn cây giống hỗ trợ, tôi sẽ nhờ các cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật rút ngắn thời gian trồng”.

Hiện trên địa bàn huyện Phụng Hiệp còn triển khai các mô hình trồng keo lai và trồng tràm kết hợp với bông súng. Riêng năm 2017, còn nhân rộng mô hình trồng tràm trên liếp xen cây có múi ở thị trấn Búng Tàu và xã Phương Bình. Còn tại thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ, đầu năm đến nay diện tích trồng mới cây tràm toàn địa bàn khoảng 65ha. Tập trung nhiều nhất ở huyện Long Mỹ với 60ha, phân bổ chủ yếu ở địa bàn xã Lương Tâm, Vĩnh Viễn A. Ông Huỳnh Thế Anh, Hạt trưởng Kiểm lâm liên huyện Long Mỹ, thông tin: Những vùng Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên, có điều kiện thổ nhưỡng gần giống nhau nên một số hộ mạnh dạn phá bỏ lá dừa nước để bơm sình lên trồng tràm. Loại cây này đặc biệt thích nghi với vùng đất phèn, trũng thấp. Quan trọng là có đặc tính hạ phèn và sau khi trồng tràm sẽ cung cấp lại cho đất một lượng bã hữu cơ. Khi đó, nếu người dân muốn trồng luân canh cây khóm sẽ cho hiệu quả khả quan. Qua nắm bắt thông tin, nhiều hộ có ý định sẽ gắn bó với loại cây này nếu giá cả thị trường ổn định.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước kia người dân trồng tự phát và chủ yếu để tràm tự sinh trưởng; khi rừng không được chăm sóc sản lượng sẽ thấp. Vì thế, với những hộ đã trồng, Chi cục Kiểm lâm tăng cường hỗ trợ các biện pháp lâm sinh, hướng dẫn người dân chọn lọc, chặt tỉa những cây nhỏ kém hiệu quả, giúp rút ngắn chu kỳ kinh doanh. Đồng thời hướng dẫn người dân bón phân theo chu kỳ. Với những hộ mới trồng, sẽ tác động từ đầu bằng cây giống, sau đó là các bước tiếp theo trong kỹ thuật chăm sóc giúp rút ngắn chu kỳ kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2020, trồng tràm là phải đạt hiệu quả kinh tế. Mục đích cuối cùng trong chuỗi nông - lâm - thủy sản là cố gắng tận dụng hết tài nguyên đất đai, giúp người nông dân có cuộc sống tốt hơn. Nhìn chung, từ năm 2006 đến nay có sự chuyển biến rất rõ, đặc biệt ở các địa bàn Phương Phú, vùng ven Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ… Song song đó, các mô hình tràm - tiêu, trồng tràm xen cây ăn trái vẫn được ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập.

Duy trì mô hình nuôi động vật hoang dã

Dù phong trào chăn nuôi động vật hoang dã phát triển mạnh ở Hậu Giang từ nhiều năm nay, nhưng ngành kiểm lâm chỉ khuyến khích người dân nuôi hai loài là trăn và ba ba, phần lớn ở địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Nhiều hộ dân trở nên khấm khá, có cuộc sống ổn định nhờ chăn nuôi những loài vật này. Mặc dù hiện nay giá trăn đất có phần sụt giảm, nhưng hộ nuôi quy mô vẫn cố gắng duy trì đàn.

Anh Trương Văn Lâm, ở ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, gắn bó với nghề nuôi trăn đất từ năm 2012 đến nay, chia sẻ: Do thấy được nhiều ưu điểm, cũng như giá trị kinh tế mà trăn đất mang lại nên tôi đầu tư kiên cố hệ thống chuồng trại. Hiện tôi đang nuôi 168 con trăn đất với nhiều trọng lượng khác nhau. Anh Lâm cho biết thêm: “Nuôi trăn đất, tôi thấy chi phí khá ít, chủ yếu cho chúng ăn gà con hay chuột. Lúc này, thời tiết se lạnh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi nên tôi chuyển chúng sang những chuồng có đệm lót sinh học để giữ ấm, giúp vật nuôi tránh được bệnh phổi. Thời điểm này, mặc dù giá rẻ, nhưng tôi vẫn chăm sóc kỹ lưỡng cho chúng”. Anh Lâm còn thông tin: Giá trăn đất gần đây được thu mua khoảng 280.000 đồng/kg, loại khoảng 40 kg/con trở lên; trăn có trọng lượng 6-10 kg/con có giá 100.000-110.000 đồng/kg, giảm khoảng 40% so với thời điểm năm 2015.

Hiện ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương có một điểm mua và lột da trăn. Điểm hoạt động với quy mô nhỏ và thu mua trăn đất mọi kích cỡ để xử lý lấy da. Chủ cơ sở, ông Nguyễn Chế Linh cho biết: “Do trước đó tôi đi lột da trăn gia công cho một cơ sở trên Thành phố Hồ Chí Minh nên có kinh nghiệm, giờ trở về địa phương mở một cơ sở nhỏ rồi thu mua trăn đất của bà con. Tôi mua đủ loại, ngay cả trăn vừa chết tôi cũng mua nhưng giá sẽ rẻ hơn khoảng 20%. Sau khi thu về, tôi nhốt lại và mổ lấy da rồi xử lý thô, vận chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh bán”.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đang quản lý 2 tổ chức và 577 hộ gia đình nuôi trên 338.500 cá thể động vật hoang dã. Trong đó, có 290 hộ nuôi trăn đất với 47.243 cá thể; 54 hộ nuôi ba ba với  224.500 cá thể; các loài khác là 233 hộ với 66.764 cá thể. Đầu năm 2017 đến nay, ngành chức năng đã xác nhận vận chuyển động vật hoang dã trong và ngoài tỉnh 76 trường hợp với 19.670 cá thể. Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thông tin: Năm 2017, trăn đất và ba ba vẫn là hai loài chủ lực trong chăn nuôi động vật hoang dã. Năm nay, phong trào nuôi trăn đất vẫn phát triển nhưng không nhiều. Dù có sự tác động của giá cả thị trường, nhưng những hộ gắn bó với nghề nuôi trăn đất lâu năm vẫn cố gắng duy trì đàn, còn tình hình nuôi ba ba vẫn ổn định.

Thống kê từ ngành chuyên môn, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lâm nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, diện tích trồng rừng tạo mới khoảng 115ha, đạt 382,3% kế hoạch; hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật lâm sinh để rút ngắn chu kỳ kinh doanh rừng đã thực hiện được 268ha, đạt 134%; trồng rừng gỗ lớn được 20ha, đạt 80% kế hoạch; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp, đã thực hiện 36,7ha, đạt 122%...

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>