Gian nan nghề cắt lục bình

04/12/2017 | 07:30 GMT+7

Để có được những cọng lục bình thành phẩm, khô ráo để đan phải kể đến công lao vất vả ít ai biết của những người làm nghề này.

Ông Xuân giúp vợ “tập kết” lục bình lên bờ sau một buổi sáng cắt được.

Thấm đẫm mồ hôi

Có dịp theo chân những người mưu sinh bằng nghề cắt lục bình mới thấu hiểu và thấy thương họ nhiều hơn. Đa phần những người làm công việc này đều là phụ nữ tuổi trung niên. Cái nắng, cái gió của vùng sông nước đã làm cho họ trở nên già dặn, nước da cũng đen sạm đi. Vết hằn của thời gian đang dần tô đậm trên gương mặt họ. Có người cắt lục bình để phụ thêm chi phí gia đình, có người thì chỉ cắt thuê lấy tiền mà trang trải cuộc sống. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng việc cắt lục bình rất giản đơn, nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Giữa cái nắng như muốn đốt cháy thịt da, đôi mắt dường như nhíu lại, cô Mai Ngọc Sương, ở ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, thở dài: “Mướn cắt lục bình tươi hơn 200 đồng/kg thì làm lục bình khô đâu có lời nên chị em tôi một người cắt, một người phơi, lấy công làm lời. Nói thiệt chứ cắt lục bình còn mệt hơn so với phơi nữa bởi nắng cháy da có bữa tôi chóng mặt muốn ngất xỉu, trời mưa thì lạnh, nước dâng cao nên cắt cũng khó. Nói cho mọi người biết chứ nghề mình đã vậy đâu than nghèo kể khổ làm chi”.

Nhìn bàn tay chai sần, nước ăn khóe bàn chân, bàn tay, nhiều lúc rất đau rát đôi khi sơ sẩy thì tay chân chảy máu là chuyện thường như cơm bữa, lại thấy thương cho những người phụ nữ này. Sợ nhất là khi nước lớn mấy chiếc ghe, tàu chạy qua cũng đủ làm chiếc xuồng nhỏ cảm thấy chênh vênh, giống như muốn lật úp. Công việc tưởng chừng như đơn giản này lại khá nguy hiểm, mồ hôi cứ chảy dài làm cay xé cả mắt. Tình cờ gặp bà Trần Thị Trước, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, người có hơn 10 năm gắn bó với công việc cắt lục bình thuê, bà đã chia sẻ: “Cắt lục bình mệt lắm, nhiều khi nắm đám lục bình mà nước chảy mạnh muốn cắm đầu chúi nhủi luôn. Tôi sợ nhất là cắt lục bình trôi bởi nước chảy rồi đi xa cách nhà hơn cây số, đến lúc bơi về mà gặp nước ngược nữa thì thôi hỡi ôi”.

Dù còn lắm khó khăn, lắm mồ hôi, máu và nước mắt nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ vẫn phải đành chấp nhận gắn bó với điều này.

Tất cả vì cuộc mưu sinh

Hành trình mưu sinh đầy vất vả, nguy hiểm của những người cắt lục bình bắt đầu từ sáng sớm khi bình minh còn chưa hé dạng và kết thúc vào tầm 17 giờ. Chuyến thành phẩm mà họ đem về là vài trăm ký lục bình tươi được chủ thuê cắt, mua với giá dao động từ 200-300 đồng/kg. Nguồn thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày là thu nhập chính cho cả gia đình. Cũng mừng là có nhiều ông chồng cũng sẵn sàng đỡ đần cùng vợ chuyện nặng nhọc này. Ông Huỳnh Hữu Xuân, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, là một minh chứng. Do ít đất sản xuất, vợ chồng ông cũng làm thêm lục bình rồi cắt lục bình thuê, thương vợ - bà Trần Thị Trước nên ngày nào ông cũng đi cắt chung nếu bận thì ông đợi vác và cân lục bình cho chủ. Tuy có vất vả nhưng với gia đình ông đó là niềm vui, hạnh phúc khi đồng vợ đồng chồng cố gắng làm việc vì cuộc sống. Nhanh tay vác vội mấy bó lục bình mà bà Trước vừa cắt được lên bờ, ông Xuân chia sẻ: “Lớn tuổi rồi nên vác nặng cũng mệt, đau lưng lắm nhưng thương vợ, đỡ đần cùng vợ nên tôi chẳng ngại gì. Mình là đàn ông bao nhiêu đó có thấm gì, nhiều bữa thấy vợ đi cắt sớm, giở theo nắm cơm về tối thui thấy cực hơn mình nhiều”.

Không chỉ riêng gia đình ông Xuân mà việc cắt lục bình đã trở thành một điều quá đỗi quen thuộc và gần gũi với nhiều người dân Hậu Giang. Do đặc thù vùng sông nước nên nhiều tuyến sông trên địa bàn tỉnh có lục bình, nó góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm và ổn định cuộc sống cho người dân. Bà Nguyễn Thị Ngọc, ở xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nhờ có lục bình mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn trước. Hiện tại, tôi vẫn tự tay cắt lục bình bởi dù có vất vả nhưng đem lại nhiều niềm vui mà không có gì thay thế được”.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>