Về xóm đũa Tân Long

21/12/2018 | 06:44 GMT+7

Ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, nổi tiếng với nghề làm đũa truyền thống mấy mươi năm qua. Chính cái tâm của người làm nghề là sức mạnh để những đôi đũa tre bình dị có thể tồn tại trong thời buổi hiện nay.

Nhờ làm đũa mà cuộc sống người dân ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long có nhiều cải thiện.

Ở xóm đũa Tân Long, nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có người làm đũa khi chưa lập gia đình, đến nay đã trở thành ông, bà với mái tóc pha sương. Tiếng bào đũa rèn rẹt pha lẫn mùi nồng của tre là những dư vị khiến nhiều người khó quên khi nhớ về xóm đũa. Bà Nguyễn Thị Vẹn, có thâm niên hơn 30 năm làm đũa, bộc bạch: “Dù tôi không làm đũa nhiều như trước do sức khỏe yếu, nhưng nghề ông bà truyền lại, ăn sâu vào máu thịt nên đâu dứt được. Hễ thấy mấy nhà trong xóm bào đũa là tay chân tôi “ngứa ngáy”, nên tham gia cho vui. Tôi cũng truyền nghề lại cho con cháu mình, hy vọng nó nối nghiệp”.

Tre dùng làm đũa phải già, sau đó được cưa ra từng đoạn rồi chẻ thành miếng nhỏ làm thân đũa. Tiếp đến, là công đoạn bào, phơi,... để tạo nên những chiếc đũa thon gọn, đẹp, sáng, chắc chắn. Đũa Tân Long tuy đơn giản, dân dã nhưng gần gũi, thấm đẫm tình đất, tình người, mang đậm những giá trị văn hóa truyền thống. Dù hiện nay, có nhiều loại đũa được sản xuất tiện dụng, nhưng không thể thay thế đũa tre. Đũa tre dường như luôn hiện diện trong mỗi gian bếp gia đình từ thành thị đến nông thôn. Chị Võ Thị Kiều Khoa, người dân ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, nói: “Nghề đũa vất vả lắm nhưng tôi quyết bám trụ, lấy công làm lời. Nhờ đũa, kinh tế gia đình tôi cũng ổn định hơn. Đũa làm ra bao nhiêu, mối cũng lấy hết nên tôi mừng lắm”.

Có lẽ, đũa Tân Long được sự ưa chuộng từ người tiêu dùng bởi làm hoàn toàn bằng thủ công. Đặc biệt, người dân xứ này không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào để tạo màu cho đũa, mà vẫn quyết định giữ nguyên màu của tre, giúp đảm bảo an toàn sức khỏe người sử dụng. Đây là một trong những tiêu chí hàng đầu giúp đũa tre Tân Long trụ vững trên thị trường mấy mươi năm qua, không gì có thể thay thế được. Việc sản xuất ra loại “đũa sạch” rất cần thiết trong thời buổi hiện nay, thể hiện cái tâm của những người làm nghề và giữ gìn giá trị truyền thống. Chị Võ Thị Thúy Kiều, làm đũa gần 15 năm, cho biết: “Chúng tôi hy vọng đũa Tân Long sẽ ngày càng được nhiều người biết đến. Thế hệ trẻ như tôi sẽ luôn nối nghiệp và giữ nghề đến mai sau, bởi đũa tre đại diện cho nét đẹp con người nơi này”. Ở xóm đũa, mọi người luôn đoàn kết, gắn bó, động viên nhau sản xuất, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm. Những nỗ lực ấy đã được đền đáp xứng đáng, khi đũa tre Tân Long luôn nhận được sự tin yêu, sử dụng từ nhiều người.

Xóm đũa Tân Long giờ đây đang từng ngày đổi mới, nhưng những giá trị truyền thống, thương hiệu “đũa sạch” vẫn còn bền vững theo thời gian. Mong muốn của nhiều người dân làm đũa ở Tân Long là nhận được sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ chính quyền địa phương; tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm để đũa Tân Long có cơ hội đi nhiều nơi, vươn tầm trong lẫn ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Nhạn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Tân Long, cho biết: “Các đợt hội chợ triển lãm hay trưng bày sản phẩm, địa phương đều giới thiệu đũa Tân Long đến các đơn vị bạn. Chúng tôi hy vọng bà con xóm đũa sẽ ngày càng tự tin bám trụ với nghề để cải thiện cuộc sống”.

Duy trì và phát triển xóm đũa Tân Long là cách để giữ hồn quê, tuy mộc mạc nhưng rất chân thành.

Đũa Tân Long được bán khoảng 12.000 đồng/10 đôi (đũa đặc - làm từ đốt tre đầu tiên ở gốc lên), đũa ngang bằng nửa giá đũa đặc. Đũa Tân Long được thương lái khen ngợi là đẹp và rẻ, tiêu thụ nhiều nơi như thành phố Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng…

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>