Bão số 1 gây nhiều thiệt hại

20/07/2023 | 08:53 GMT+7

Lúa sắp thu hoạch bị đổ ngã và nằm vùi trong nước, còn lúa mới gieo sạ bị chết giống, nhiều cây xanh bị đổ ngã, nhà sập và tốc mái... do bão số 1, đã gây thiệt hại khá lớn cho người dân trong tỉnh.

Nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch của nông dân trên địa bàn tỉnh đang bị ngập úng do bão số 1.

Nông dân rầu lo

Với vẻ mặt đầy buồn bã khi cầm những bông lúa Hè thu đến ngày thu hoạch bị vùi trong nước nhiều ngày qua, ông Hứa Văn Nhánh, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho hay: “Do mưa như trút nước liên tục trong nhiều ngày qua nên nước trên đồng đã dâng cao lên khoảng 4 tấc so với thời điểm bão chưa xuất hiện. Ngoài mưa lớn còn kèm theo gió mạnh nên hơn 1ha lúa của tôi và nhiều mảnh ruộng khác của bà con ở cánh đồng này có lúa bị đổ ngã hoàn toàn và đang bị vùi trong nước hơn 4 ngày qua. Điều lo lắng hơn là những hạt lúa dần bị đen bên ngoài do nằm trong nước, nếu không được thu hoạch sớm thì vài ngày tới hạt lúa lên mộng xanh là khó tránh khỏi”.

Theo chia sẻ của nhiều nông dân đang canh tác chung cánh đồng lúa với ông Nhánh, cách nay khoảng 10 ngày, thời điểm mà bão chưa xuất hiện thì ruộng lúa của bà con nơi đây bông lúa trĩu hạt và vàng óng. Thương lái đến xem đồng ruộng luôn tấm tắc khen ngợi và đánh giá năng suất lúa đạt không dưới 800 kg/công (một công 1.300m2); đồng thời đưa tiền cọc trước với giá 6.200 đồng/kg (giống lúa OM 18). Thế nhưng, bão số 1 xuất hiện kèm theo mưa giông liên tục nên từ niềm vui giờ chuyển sang sự lo lắng không nhỏ. Điều bà con hy vọng trong lúc này là thời tiết sớm nắng trở lại để nông dân gấp rút bơm thoát nước trên ruộng ra ngoài và tranh thủ đưa máy cắt vào thu hoạch lúa sớm ngày nào mừng ngày đó.

Cùng nỗi lo lắng khi có hơn 1,2ha lúa Hè thu của gia đình đến ngày cắt nhưng bị sập gần như hoàn toàn và đang nằm vùi trong nước không biết thời gian nào mới được thu hoạch, ông Trần Văn Linh, ở cùng ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Trong điều kiện bình thường thì năng suất lúa của tôi và bà con ở cánh đồng này không dưới 700 kg/công, nhưng giờ đây, với tình cảnh này thì chỉ hy vọng đạt 400 kg/công là mừng để kiếm lại tiền chi phí đầu tư, đừng bị thua lỗ sau 3 tháng vất vả ngoài đồng. Cứ nghĩ rằng vụ Hè thu này sẽ trúng mùa, bán được giá, cho nguồn lợi nhuận hấp dẫn, nhưng không ngờ chuẩn bị cắt lúa thì bão ập đến làm niềm vui của bà con bị tan biến”.

Ngoài năng suất lúa chắc chắn bị hao hụt thì theo chia sẻ của nông dân, người trồng lúa còn phải chịu nhiều gánh nặng khác khi bước vào thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Diệp, ở phường V, thành phố Vị Thanh, có gần 1ha lúa Hè thu đến ngày cắt đang bị sập hoàn toàn do ảnh hưởng bão số 1, cho biết: “Trong điều kiện lúa đứng thì giá thuê máy cắt dao động từ 320.000-350.000 đồng/công, trường hợp lúa bị đổ ngã nằm trong nước thì giá công cắt phải từ 400.000 đồng/công trở lên (tùy theo mức độ đổ ngã của lúa). Mặt khác, tuy nông dân đã nhận tiền cọc trước của “cò lúa” với giá 6.200 đồng/kg (giống OM 18); tuy nhiên, khi đến thời điểm cân lúa thì chắc chắn phải thương lượng lại giá bán với “cò lúa”. Không biết là sẽ bán lúa được giá nào nhưng thông thường sẽ thấp hơn so với giá đã nhận tiền cọc trước đó do lúa bị ướt và nhiều nguyên nhân khác được “cò lúa” đưa ra”.  

Bên cạnh lúa Hè thu thì nhiều nông dân mới gieo sạ lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh cũng đứng ngồi không yên trong những ngày qua vì mưa dầm làm ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ cho ruộng lúa của gia đình. Đang tích cực bơm rút nước cho hơn 1ha lúa Thu đông của gia đình vừa gieo sạ được 5 ngày, ông Nguyễn Văn Em, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Lúa vừa xuống giống xong là gặp ngay bão tới và mưa cứ ập xuống liên tục trong nhiều ngày qua. Ngày nào, tôi cũng phải đi kiểm tra và gia cố bờ bao xung quanh, đồng thời chiếc máy dầu cứ nằm túc trực bơm rút nước suốt ngày lẫn đêm. Dù gieo sạ được 5 ngày nhưng hiện những chỗ gò cao mới thấy cây lúa nhú lên khỏi mặt đất, còn những chỗ trũng thì chỉ thấy đất sình. Gia đình phải ngâm thêm lúa giống để chờ khi thời tiết nắng trở lại sẽ sạ bổ sung vào nhằm nhẹ công giặm lúa trong thời gian tới”.  

Ghi nhận nhiều thiệt hại

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho biết, qua tổng hợp nhanh từ ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh thì đến ngày 18-7, toàn tỉnh ghi nhận có 2.270ha lúa Hè thu bị đổ ngã, trong đó có 2.240ha bị thiệt hại từ 5-10% và 30ha bị thiệt hại từ 30-40%. Ngoài ra, cũng có nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn trổ chín và thu hoạch bị đổ ngã nhưng chưa ghi nhận mức độ thiệt hại. Về tình hình thu hoạch, hiện tại, nông dân trên địa bàn tỉnh đã cắt được hơn 52.500ha trong tổng số 75.207ha lúa Hè thu đã xuống giống.

Đối với lúa Thu đông, đến thời điểm này, bà con trong tỉnh đã gieo sạ được hơn 16.500ha, lúa tập trung ở giai đoạn mới xuống giống và mạ. Hiện toàn tỉnh ghi nhận có 157ha lúa Thu đông mới gieo sạ bị ngập úng, trong đó có 10ha bị thiệt hại (chết giống) từ 15-20%, diện tích còn lại đang được nông dân chủ động bơm nước thoát úng cho ruộng của mình. Tuy nhiên, khả năng diện tích lúa Thu đông bị thiệt hại sẽ tăng nếu mưa lớn còn kéo dài trong những ngày tới.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Tình hình mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, do đó đề nghị Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp chặt và chỉ đạo các trạm TT&BVTV huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi báo cáo tình hình thiệt hại hàng ngày trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh do ảnh hưởng bão số 1, trong đó có cây lúa. Bên cạnh đó, vận động nông dân khai thông dòng chảy, tích cực bơm thoát nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 16 đến ngày 19-7, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 1 (Talim) đã gây mưa lớn kèm theo gió giật mạnh làm sập hoàn toàn 5 căn nhà, tốc mái 25 căn nhà dân. Bên cạnh đó, giông lốc còn làm đổ ngã cây xanh trên tuyến Quốc lộ 61C, làm đổ ngã trụ đèn chiếu sáng trên tuyến này. Đặc biệt, gió giật mạnh kèm theo sét lớn từ bão số 1 đã làm hư hỏng nhiều máy, thiết bị phục vụ công tác truyền thanh tại Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh thị xã Long Mỹ.

Các ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố đã và đang khẩn trương xác định, đánh giá mức độ thiệt hại; khảo sát toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm nhà cửa, cây cối, đường sá, công trình điện, nước; xác định mức độ thiệt hại của từng công trình và tài sản; lập danh sách các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường lực lượng xung kích tổ chức sửa chữa, dọp dẹp nhà sập, tốc mái cho người dân, giúp hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng: Trước tình hình mưa bão đã và đang còn diễn biến phức tạp nên đề nghị các ngành chức năng có liên quan của tỉnh và địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng ngừa và ứng phó với bão. Đặc biệt là nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục các sự cố do bão số 1 gây ra, nhất là tình hình giông lốc gây sập và tốc mái nhà của người dân. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng sớm rà soát, thống kê và báo cáo kịp thời với Sở NN&PTNT tỉnh về tình hình thiệt hại do bão số 1 gây ra. Sau đó, Sở NN&PTNT tỉnh sớm có văn bản báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.     

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>