Cần sớm tháo gỡ vướng mắc trong Luật Xử lý vi phạm hành chính

24/04/2017 | 08:03 GMT+7

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống.

Cơ quan chức năng tiến hành nhắc nhở, xử lý hành chính đối với các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường tại phường IV, thành phố Vị Thanh.

Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện. Điều đó tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

 Thống kê cho thấy, các hành vi VPHC phổ biến hiện nay xảy ra trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như thương mại, giao thông đường bộ, an toàn thực phẩm, xây dựng… Dù nhiều hình thức vi phạm cần xử phạt hành chính như vậy, nhưng một số quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính còn vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực thi.

Đơn cử như quy định tại Điều 122 về các biện pháp ngăn chặn tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Theo quy định của luật, hiện chỉ có thể áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay với hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Còn với một số hành vi vi phạm khác như: Đánh bạc trái phép, trộm cắp tài sản; mua bán, vận chuyển hàng cấm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... trong trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng cần phải xem xét đến tiền án, tiền sự để cấu thành tội phạm thì luật lại chưa quy định về tạm giữ hành chính đối với những trường hợp này.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, qua quá trình thực thi trên địa bàn huyện cho thấy, tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp đảm bảo cho việc xử lý người vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhưng các hành vi như trên không nằm trong điều khoản được tạm giữ, khiến cho các cơ quan gặp lúng túng khi xử lý người vi phạm. Bên cạnh đó, một số đối tượng vi phạm nếu là người ngoài địa phương, không có nhân thân, lai lịch rõ ràng hoặc cố tình che giấu nhân thân, lai lịch thì lại càng khó khăn cho công tác xác minh và áp dụng các biện pháp xử lý đối tượng của cơ quan chức năng.

Hay như một vấn đề thường xảy ra trong công tác xử lý VPHC là các trường hợp vi phạm bị tạm giữ tang vật, phương tiện có giá trị thấp hơn so với số tiền phạt của lỗi mà người vi phạm gây ra nên khi lập biên bản xử phạt, người vi phạm khai không đúng hoặc không khai tên họ, địa chỉ hoặc bỏ trốn để khỏi bị xử lý hay không tiến hành nộp phạt thì luật lại chưa có chế tài. 

Không chỉ những vướng mắc xuất phát từ ý thức chấp hành của người dân, sự bất cập trong một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng khiến cho việc thi hành gặp nhiều khó khăn. Như quy định tại khoản 2, Điều 2 của luật thì việc xử phạt VPHC chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức mà không áp dụng đối với hộ gia đình hay cộng đồng dân cư.

Nhưng trong một số văn bản dưới luật như Nghị định 102/2014 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai được ban hành lại có quy định trường hợp hộ gia đình, cộng đồng dân cư VPHC trong lĩnh vực đất đai, nằm trong đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính. Bởi vậy, dù thực tế có khá nhiều trường hợp hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm các lĩnh vực như xây dựng, kinh doanh, lao động... lại khó có thể xử lý.

Mặt khác, một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo thi hành luật hiệu quả là vấn về con người và cơ sở vật chất, kỹ thuật. Hiện các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ như giám định, kiểm định, phân tích còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chính xác, nhanh chóng, dẫn đến khó khăn trong việc giám định, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi VPHC.

 Đơn cử như việc xử phạt VPHC trong ô nhiễm tiếng ồn. Ông Nguyễn Quốc Định, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh do các đơn vị chưa có thiết bị đo tiếng ồn chuyên biệt dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính kém hiệu quả, chỉ có thể tiến hành nhắc nhở chứ không thể xử lý vi phạm triệt để. Hay như việc xử phạt về ô nhiễm không khí, khói bụi cũng gặp khó khăn tương tự”.  

Việc có những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên điều này sẽ gây khó khăn cho chính các cơ quan nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với lĩnh vực rộng như xử lý VPHC. Vì vậy, thời gian tới, để đảm bảo việc xử lý vi phạm được kịp thời, đúng người, đúng hành vi thì việc sớm có sự sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật để đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực trong xử lý VPHC đang là điều cần thiết.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>