Cẩn trọng trong việc cho vay cá nhân

25/10/2023 | 09:03 GMT+7

Thời gian qua, tình trạng vay mượn tài sản cá nhân dẫn đến tranh chấp diễn ra khá phổ biến. Một số giao dịch vay mượn thiếu rõ ràng không chỉ gây ra tranh chấp dân sự kéo dài mà còn ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Tòa xét xử một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là loại tranh chấp diễn ra phổ biến. Nhiều trường hợp, từ những người thân quen với nhau bỗng trở mặt và phải cùng nhau ra tòa để đòi lại tài sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian, công việc mà còn sứt mẻ tình cảm giữa đôi bên.

Tháng 9-2023, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên xử một bản án người thân tranh chấp kéo dài hơn 2 năm, do quá trình vay mượn tiền không rõ ràng. Cụ thể, bà B. và ông H., ngụ thị xã Long Mỹ, là cô cháu với nhau. Do cần tiền nên từ năm 2020, ông H. nhiều lần vay mượn tiền của bà B. Việc vay mượn một số lần hai bên có làm biên nhận, nhưng cũng có lần chỉ qua lời nói.

Theo bà B., thực tế bà cho vay tổng số tiền 204 triệu đồng, nhưng do là bà con nên không tính lãi. Tuy nhiên, quá trình trả nợ, do ông H. nhiều lần trả nợ không đúng hạn và không có thiện chí trả, nên bà khởi kiện để đòi lại tiền.

Trong khi đó, ông H. cho rằng, bà B. cho vay số tiền trên với lãi suất 5% tháng, nên ông H. không đồng ý với nội dung khởi kiện của bà B. Chưa kể, tại đơn phản tố (kiện ngược lại bà B.) thì ông H. cho rằng mình chỉ phải trả cho bà B. số tiền gốc và lãi gần 117 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm của TAND thị xã Long Mỹ đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B., buộc ông H. trả cho bà B. số tiền hơn 200 triệu đồng. Đến tháng 9-2023, TAND tỉnh tuyên bản án phúc thẩm buộc ông H. phải trả cho bà B. số tiền gần 117 triệu đồng.

Trước đó, vốn là chỗ bạn bè thân quen nhiều năm, nên khi ông M., ngụ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp hỏi vay của anh N. số tiền 50 triệu đồng, hẹn trả trong 3 tháng và có viết giấy tay vay nợ, nên anh N. liền đồng ý. Tuy nhiên, sau 3 tháng, khi cần tiền, anh N. yêu cầu ông M. trả nợ thì ông M. nhiều lần hứa hẹn, nhưng không trả.

Bức xúc, cho rằng gia đình ông M. có khả năng, nhưng không thu xếp tiền trả cho mình, anh N. khởi kiện ông M. ra TAND huyện Phụng Hiệp. Tại tòa, Hội đồng xét xử nhận định việc anh N. cho ông M. vay là đúng sự thật, không trái quy định pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của anh N., buộc ông M. phải trả cho nguyên đơn đúng số tiền vay và lãi vay theo luật định.

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, do nền kinh tế thị trường có sự tác động rất lớn đến hoạt động vay vốn, cho vay, nên nhiều hợp đồng vay đã có sự biến tướng phức tạp, gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp. Thông thường, khi vay mượn nợ số tiền lớn, người ta sẽ nghĩ đến việc vay từ các ngân hàng.

Thế nhưng, do nhiều thủ tục phức tạp, việc cấp vốn chậm, nên một số người chọn cách vay vốn làm ăn từ người thân, người quen hoặc những mối quan hệ ngoài xã hội. Khi vay mượn cá nhân sẽ được thực hiện thông qua các hình thức như: vay tín chấp giữa người cho vay với người vay và chỉ thiết lập giấy vay mượn tay đơn giản hoặc bằng lời nói với nhau.

Cũng có một số trường hợp chỉ ghi nhận số tiền vay, còn lãi suất và thời hạn thì thỏa thuận ngoài. Theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, hiện nay, các loại tranh chấp dân sự phổ biến nhất là: vay mượn nợ, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…

Tại Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015, đã quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

“Nếu đến thời hạn vay mà người vay không trả thì người cho vay có thể khởi kiện ra tòa án nơi bị đơn - tức người vay tiền cư trú, để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ”, ông Mạnh cho biết.

Còn theo ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh, quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản, thẩm phán cần phải cân nhắc và thu thập chứng cứ rất kỹ về nhiều phương diện khác nhau như: thời hiệu khởi kiện, chủ thể tham gia và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, quy định tính lãi suất trong quá trình vay mượn. Thông thường, những vụ án tranh chấp liên quan đến vay mượn cá nhân sẽ rất khó thu thập chứng cứ, vì việc vay mượn đôi khi diễn ra sơ sài, thiếu các giấy tờ, thỏa thuận có tính pháp lý.

Vì vậy, để tránh những tranh chấp không đáng có cũng như tránh làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội, ngành chức năng khuyến cáo các bên cho vay và vay mượn cần tìm hiểu kỹ; đồng thời, lập các văn bản, giấy tờ có giá trị pháp lý để khi xảy ra tranh chấp thì những giấy tờ này sẽ trở thành căn cứ pháp lý vững chắc, giúp việc khởi kiện được giải quyết nhanh chóng và đơn giản hơn.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>