Hiệu quả một đề án

12/12/2018 | 07:53 GMT+7

Sau một năm thực hiện, Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội” ghi nhận nhiều kết quả tích cực.

Công an xã Long Thạnh thường xuyên kiểm tra việc quản lý người đến lưu trú, tạm trú ở các nhà trọ trên địa bàn.

Ông Trang Trung Hiếu, Trưởng Công an xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp cho hay, nhờ thực hiện tốt đề án này mà tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương ổn định, nhất là tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm.

Cụ thể năm 2018, xã này giảm 100% số vụ phạm pháp so năm 2017; 100% tin tố giác tội phạm được xử lý kịp thời; 100% hộ dân được phổ biến, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 100%…

Toàn xã Long Thạnh hiện có 17 cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ. Xuất phát từ những vụ phạm pháp hình sự năm 2017, cộng với tình hình ANTT tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên lực lượng công an xã phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra nơi lưu trú, tạm trú, đồng thời tuyên truyền các chủ cơ sở mạnh dạn tố giác những trường hợp có nguy cơ vi phạm pháp luật… Nhờ đó năm qua, các nhà trọ không xảy ra vụ việc làm mất ANTT.

Ông Trang Trung Hiếu thông tin thêm, năm 2017, xã có 2 vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại nhà trọ, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn vợ chồng, đời sống công nhân. Từ thực tế này, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ, công nhân những quy định của pháp luật về ANTT, hậu quả, mức xử phạt đối với từng trường hợp…

Kinh doanh nhà trọ gần 2 năm, với hơn 50 phòng trọ tháng, gần 10 phòng trọ qua đêm nên bà Trịnh Thị Phượng, ở ấp Long Hòa A1, rất cảnh giác với các loại tội phạm. Theo đó, bà thường tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, công việc, giấy tờ tùy thân của người đến thuê trọ, nếu thấy không có dấu hiệu khả nghi thì mới cho ở.

“Tôi làm như thế cũng muốn góp phần phòng, chống tội phạm hiệu quả. Thà tôi để phòng trống để ANTT được ổn định chứ không vì tiền trước mắt mà tiếp tay cho kẻ gian”, bà Phượng nói.

Chưa kể là Công an xã còn thường xuyên phổ biến những biểu hiện, thủ đoạn của các loại tội phạm đến Nhân dân để nâng cao ý thức phòng, chống. Đặc biệt, vận động 100% gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật. “Thay vì tổ chức Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” 1-2 lần/năm như trước đây, thì năm nay chúng tôi tổ chức hàng tháng. Qua đó, kịp thời lắng nghe phản ánh của người dân mà chấn chỉnh, can thiệp”, ông Hiếu khẳng định.

Tương tự, cũng nhờ thực hiện tốt đề án mà tình hình ANTT trên địa bàn thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành ổn định, tội phạm kéo giảm. Ngoài tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, địa phương còn chú trọng đến việc quản lý người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá.

Theo đó, ngành chức năng thị trấn thường xuyên tìm hiểu hoàn cảnh từng người, vận động tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập tốt cộng đồng. Quan trọng là tạo điều kiện cho họ học nghề, giới thiệu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, giúp ổn định cuộc sống. Đến nay, 9/12 trường hợp có việc làm ổn định.

Cách đây khoảng 4 năm, do suy nghĩ nông cạn nên anh H., ở ấp Phú Xuân A, thị trấn Mái Dầm, vướng vào tội trộm cắp tài sản và bị kết án 9 tháng tù (cho hưởng án treo). Sau đó, H. được gia đình, người thân động viên, cùng sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương nên anh H. dần vượt qua mặc cảm, hòa nhập tốt với xã hội. Đến nay, anh là tài xế cho một công ty trên địa bàn.

Anh H. tâm sự: “Lúc gặp sự cố, tôi tưởng sẽ bị cộng đồng xã hội xa lánh, nhưng không ngờ gia đình, ngành chức năng địa phương không chỉ an ủi mà còn tạo điều kiện cho tôi khắc phục lỗi lầm. Tôi sẽ không bao giờ tái phạm nữa”.

Theo đánh giá, đề án luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể nên quá trình triển khai, thực hiện đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ. Mặt khác, lực lượng công an các cấp còn phát huy tốt vai trò chủ công, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp và dự báo tình hình ANTT để chính quyền địa phương và Nhân dân chủ động phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì một số ban, ngành, đoàn thể đôi lúc còn xem công tác này là nhiệm vụ riêng của ngành công an nên chưa chủ động phối hợp thực hiện; công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi, người có nguy cơ vi phạm pháp luật hiệu quả chưa cao; lực lượng công an các địa bàn thực hiện đề án còn hạn chế về số lượng, năng lực, trình độ, chuyên môn nên chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra…

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân và các đối tượng, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng ngừa ở những địa bàn thực hiện đề án. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng chất các mô hình đảm bảo ANTT; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và bổ sung trang bị, phương tiện cho lực lượng công an tại các địa bàn này”.

Đề án được triển khai tại 8 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Long Mỹ 1 đơn vị, Phụng Hiệp 4 đơn vị, Châu Thành 1 đơn vị và Châu Thành A 2 đơn vị.

Sau 1 năm thực hiện, các địa phương đã phát hiện 28 vụ tội phạm về trật tự xã hội, giảm 2 vụ so năm 2017; tỷ lệ điều tra đạt gần 93%, trong đó những vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Đã tiếp nhận 86 tin tố giác tội phạm và giải quyết xong 100%; tiếp nhận mới 51 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú và được giáo dục, giúp đỡ, tái hòa nhập cộng đồng, giới thiệu việc làm và không có trường hợp tái phạm; củng cố, duy trì hoạt động có hiệu quả 16 mô hình đảm bảo ANTT.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>