Nhiều cơ chế đặc biệt dành cho đặc khu

10/04/2018 | 09:02 GMT+7

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo luật.

Tổ chức chính quyền đặc khu là một trong những nội dung phức tạp, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra thảo luận nhiều nhất.

Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gửi đoàn đại biểu các đơn vị lấy ý kiến, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đặc khu được chỉnh lý gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu.

Theo đó, UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu có những thẩm quyền vượt trội được phân quyền từ chính quyền Trung ương và cấp tỉnh. Dự thảo luật cũng quy định: Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Trong đặc khu có các khu hành chính do trưởng khu hành chính đứng đầu; trưởng khu hành chính là do chủ tịch UBND đặc khu bổ nhiệm.

Cho ý kiến vào dự thảo luật này, ông Trương Thanh Bình, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho rằng, thành lập HĐND, UBND ở đặc khu là hợp lý, vì luật trao cho chủ tịch ủy ban đặc khu tới 70 quyền, trong đó có những quyền đặc biệt mà không một lãnh đạo cấp chính quyền địa phương nào có được, nên cần có cơ quan kiểm soát, giám sát.

Ông Bình cũng cho rằng, thiết chế HĐND nhằm giám sát, kiểm soát quyền lực, tránh sự lạm quyền, đi đôi với phân cấp, phân quyền mạnh cho chủ tịch ủy ban đặc khu là phù hợp.

Về cơ quan chuyên môn của đặc khu, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, băn khoăn: Dự thảo quy định 7 cơ quan nhưng lại không nói rõ là 7 cơ quan nào? Bên cạnh đó, nhiệm vụ của UBND, chủ tịch UBND đặc khu có những nhiệm vụ bao trùm từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đến nhiệm vụ của tỉnh, huyện, xã. Tức là quy mô và thẩm quyền của UBND, chủ tịch UBND đặc khu là rất lớn.

“Một chính quyền tương đương cấp huyện mà có thể quyết định những vấn đề liên quan đến cả thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì năng lực, thẩm quyền và những vấn đề liên quan cần phải được xem xét rất cẩn trọng để tránh tình trạng lạm quyền. Bên cạnh đó, chúng ta cần làm rõ thêm về tổ chức của đặc khu sẽ trực thuộc Trung ương hay chỉ là đơn vị tương đương cấp huyện như nội dung dự thảo để tránh sự chồng chéo, vượt cấp”, ông Lê nói.

Về điều kiện kinh doanh và các quy định ưu đãi thu hút đầu tư, ông Đồng Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng, dự luật đã rút gọn lại các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bên cạnh đó có các ưu đãi về thuế, thời hạn thuê đất, các ưu tiên đối với nhà đầu tư…

Theo đại biểu này, thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là cần thiết nhưng không phải là điều quan trọng nhất. Vấn đề là phải minh bạch trong đầu tư và có cơ chế giám sát một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, đóng góp vào nội dung mô hình tổ chức đặc khu, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế, băn khoăn: Mỗi đặc khu có những đặc điểm khác nhau nên việc đưa 3 đặc khu vào một luật chung sẽ khó phù hợp với tình hình phát triển thực tế và vị trí địa lý. Bởi hiện nay trong 3 đặc khu, chỉ có Phú Quốc là có cơ sở hạ tầng đã ổn định, còn Bắc Vân Phong và Vân Đồn chỉ đang trong quá trình xây dựng. “Do đó, tôi đề xuất chúng ta có thể xem xét ban hành 3 luật riêng cho từng đặc khu hoặc một luật chung nhưng phải có chương riêng dành cho từng nơi thì đảm bảo phù hợp hơn”, ông Bình cho biết.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết, tất cả các ý kiến đối với dự thảo luật lần này đều rất quan trọng và sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu một cách nghiêm túc, sau đó tổng hợp gửi Ban soạn thảo nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự luật để sớm trình Quốc hội thông qua.

Ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là một dự luật rất quan trọng, bởi việc ra đời của luật sẽ là nền tảng pháp lý cho việc phát triển 3 khu vực trên, đây đều là những nơi được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và đóng góp cao vào nguồn thu ngân sách quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, điểm khó trong việc ban hành luật là do đây là một dự án luật mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp, do đó, việc xây dựng mô hình, bộ máy tổ chức của các đơn vị đặc khu cần phải được xem xét một cách cẩn trọng, phải đảm bảo hài hòa việc phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn sẽ trên cơ sở dành những ưu tiên đặc biệt để tạo đòn bẩy đối với sự phát triển của các khu vực trên.

 

Đ.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>