Nâng cao hiệu quả giảm nghèo từ chuyển đổi số

07/10/2023 | 14:07 GMT+7

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Trong năm nay, thành phố Vị Thanh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Hộ nghèo ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn tra cứu thông tin và sử dụng các ứng dụng trên app Hậu Giang.

Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng

Tận tình hướng dẫn người dân cách sử dụng các app điện tử an toàn, ông Lưu Văn Kết, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “Tôi thấy nguyên nhân phổ biến dẫn đến khó thoát nghèo ở hộ dân là do không nghề nghiệp, không việc làm, không có đất đai để sản xuất, không tiếp cận được dịch vụ tài chính, lạm dụng rượu bia, không tiết kiệm… Vì thế, tận dụng tính hiệu quả của các chiếc điện thoại thông minh nhà nhà đều có, tôi cùng Tổ công nghệ số cộng đồng ấp chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số… để đưa thông tin nhanh, chính xác, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, giới thiệu những gương điển hình, cách làm hiệu quả phát triển kinh tế, giúp người dân nâng cao nhận thức thoát nghèo”.

Ông Kết là Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Thạnh An, tổ của ấp ông có 6 thành viên, với nòng cốt là thanh niên, đang đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số, hướng dẫn tới từng hộ gia đình sử dụng các nền tảng số. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của mỗi người dân, giúp giảm nghèo chất lượng. Năm 2023, ấp Thạnh An đang phấn đấu giảm 2 hộ nghèo. Hiện ấp chỉ còn 8 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo.  

Bà Nguyễn Thị Có, hộ nghèo ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, bày tỏ: “Nhà có mua chiếc điện thoại thông minh cho mấy cháu học tập, ngoài học chủ yếu dùng để gia đình nghe ca nhạc, cải lương. Được mấy cô, chú trong ấp đến hướng dẫn cài đặt luôn app Hậu Giang, mạng zalo và một số phần mềm khác, nhờ đó giúp tôi nắm bắt, tìm hiểu được thông tin giảm nghèo hiệu quả, an toàn của tỉnh, của thành phố, biết thêm được các chế độ hỗ trợ vay vốn… rất kịp thời, nuôi con gì, trồng cây gì cho năng suất cao, giảm chi phí, gia đình định vay vốn ngân hàng để mở tiệm tạp hóa nhỏ…”.

100% ấp, khu vực của thành phố Vị Thanh đều có ít nhất 1 tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động, trung bình mỗi tổ có từ 5-6 thành viên gồm các chi hội, chi đoàn ấp… Tất cả thành viên của tổ đều được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách liên quan đến công nghệ số. Mỗi thành viên đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân về thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng, cài đặt, sử dụng sổ bảo hiểm xã hội số; giới thiệu và hướng dẫn cách truy cập, sử dụng dịch vụ Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, cài đặt xác thực định danh qua VNeID; hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng an toàn, hiệu quả, học hỏi các kinh nghiệm nuôi trồng qua các trang web chất lượng… Bà Trần Thúy Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền rất hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ số thời gian qua đã giảm chi phí, thời gian đi lại của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh, nhất là nâng cao được tính chủ động, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin ở các hộ nghèo, cận nghèo để người dân nâng cao được ý thức, chủ động tìm hiểu thông tin chính xác để thực hiện các giải pháp thoát nghèo hiệu quả cho gia đình”.

Người nghèo được tiếp cận và chia sẻ thông tin nhiều hơn

Tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, người dân có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi từ những mô hình hay, kiến thức hữu ích. Bà Đỗ Thị Thúy, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, chia sẻ: “Không có ruộng đất canh tác, thấy trên internet người ta chỉ cách thuê mướn đất, thuê bãi nuôi lục bình thích hợp với điều kiện thực tế gia đình nên tôi đã bàn với chồng vay vốn ngân hàng và thử làm. Nhờ thuê một bến bãi ở sông nuôi lục bình, học kỹ thuật nuôi lục bình trên mạng, trên báo, đài truyền thanh, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ bản thân đi làm mướn mà chỉ sau 1 năm, gia đình tôi đã thoát nghèo năm 2022”. Lấy công làm lời, cần cù lao động, mô hình của gia đình bà Thúy đang giúp ích được nhiều chị em trong ấp có công ăn việc làm, thoát nghèo hiệu quả.

Lắng nghe, tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn những thông tin hữu ích, an toàn, có lợi để vận dụng vào thực tiễn, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Vị Thanh có sự chuyển biến tích cực trong trồng trọt lẫn chăn nuôi, kỹ năng nghề nghiệp phát triển, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, chống tái nghèo.

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Vị Thanh, cho biết: “Giảm nghèo về thông tin là một trong những tiểu dự án quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Để hỗ trợ người dân, không thiếu hụt về thông tin, việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số”.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, thành phố Vị Thanh tiếp tục thực hiện hiệu quả, nhân rộng các giải pháp giảm nghèo. Phấn đấu thực hiện giảm 0,7% hộ nghèo (tương đương khoảng 147 hộ) trong năm nay.

Thực hiện Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin” trên địa bàn thành phố Vị Thanh năm 2023 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố phối hợp với Báo Hậu Giang, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thành phố, truyền thông về giảm nghèo. Hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền này sẽ giúp người dân kịp thời tiếp cận nhiều hơn các chính sách và những thông tin hữu ích, để nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức tập huấn giảm nghèo về thông tin…

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>