Nhiều hiệu quả tuyên truyền khi truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ

30/08/2023 | 07:44 GMT+7

Hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn thành phố Vị Thanh đang từng bước nâng cấp, chuyển đổi đài truyền thanh có dây, không dây FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - viễn thông, với những hiệu quả đem lại, trong đó tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Hệ thống loa truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông đang được các địa phương tại thành phố quan tâm đầu tư gắn với mục tiêu chuyển đổi số.

Tận dụng ưu điểm công nghệ mới

Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet, anh Lâm Duy Phước, cán bộ phụ trách truyền thanh xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, có thể cài đặt lịch phát tự động cho 11 cụm loa truyền thanh tại các điểm trung tâm UBND, khu dân cư và nhà văn hóa 9 ấp trên địa bàn. Dù ở bất cứ vị trí nào, chỉ với vài thao tác đơn giản, anh đều có thể thực hiện công việc này.

Anh Phước cho biết: “Hệ thống loa ứng dụng CNTT - viễn thông có nhiều ưu điểm vượt trội. Không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị. Không chỉ vậy, chất lượng âm thanh trong, rõ ràng, không nhại tiếng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng nhờ thiết bị sử dụng công nghệ chuyển đổi văn bản thành giọng nói trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Qua đó, giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành”.

Từ cuối năm 2019, xã Vị Tân đã được thành phố quan tâm đầu tư lắp đặt 4 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông để thay thế cho hệ thống loa cũ đã bị hư hỏng. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 11 cụm loa ứng dụng CNTT - viễn thông nằm rải đều trên 9 ấp.

Nhằm phục vụ tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân, phường VII đã dành nguồn kinh phí tự trang bị 2 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông. Anh Nguyễn Thanh Nhanh, cán bộ phụ trách truyền thanh phường VII, cho biết: “Trên địa bàn có 2 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông, 10 loa có dây và 2 cụm loa không dây FM. Qua quá trình sử dụng chúng tôi nhận thấy, hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông mang lại hiệu quả rất tốt trong quá trình chuyển đổi số. Thông tin được truyền tải kịp thời, có thể điều chỉnh phát sóng theo từng cụm, việc theo dõi kiểm tra cụm nào hư hỏng cũng dễ dàng hơn mà không cần phải mở trực tiếp tất cả hệ thống như trước đây”.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông hoạt động dựa trên việc sử dụng mạng internet hoặc sóng 3G, 4G để truyền và nhận bản tin phát thanh. Từ đây, các bản tin phát thanh không còn tình trạng bị chèn sóng, lẫn sóng, không bắt được sóng như công nghệ sóng FM trước đây. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo AI được tích hợp trên phần mềm có thể tự động nhận dạng và đọc văn bản thành tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm.

Chưa thể đồng bộ tất cả...

Từ năm 2021 đến nay, thành phố Vị Thanh được đầu tư 52 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông, lắp đặt tại 9 xã, phường trên địa bàn. Bước đầu đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền tại địa phương. Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thiết bị truyền thanh thế hệ mới có rất nhiều ưu điểm, như chất lượng âm thanh tốt, rõ ràng; việc giám sát trạng thái hoạt động của từng chiếc loa, cụm loa và nhận lệnh tạm dừng khi đang phát nội dung có thể thực hiện dễ dàng ngay trên phần mềm; giảm được thời gian ngồi trực như trước đây cho cán bộ làm công tác truyền thanh... Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư cho hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông khá lớn, gấp 5 lần so với bộ truyền thanh FM”.

Ngoài được đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông, hiện thành phố còn hệ thống truyền thanh FM và truyền thanh có dây đang hoạt động. So với hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông, chi phí đầu tư cho hệ thống truyền thanh cũ khá thấp. Nếu đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông đủ để phủ sóng hết địa bàn thành phố, kinh phí rất lớn. Để vừa phát huy hết giá trị của hệ thống truyền thanh cũ, vừa đảm bảo đúng quy định theo Thông tư 39 của Bộ Thông tin và Truyền thông, là sử dụng công nghệ truyền thanh thông minh để số hóa âm thanh và điều khiển hệ thống truyền thanh FM.

Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh thành phố Vị Thanh, chia sẻ thêm: Đơn vị đang xây dựng 2 phương thức để phát thanh tuyên truyền: phát thanh trực tiếp và phát thanh theo lịch đặt trước. Tại trung tâm truyền thanh của thành phố sẽ có 1 bộ truyền thanh trực tiếp số hóa, để phát thanh trực tiếp. Ở mỗi xã, phường cũng được trang bị tương tự, bộ số hóa này, sẽ nhận tín hiệu điều khiển từ trung tâm thành phố, sau đó điều khiển cho hệ thống truyền thanh có dây hoạt động, đến khi hết chương trình sẽ tự động ngắt tín hiệu hoàn toàn, kể cả nguồn điện. Riêng phát theo lịch đặt trước, các đơn vị sẽ biên tập nội dung duyệt theo thời gian đặt trước hoàn toàn tự động. Với những cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác vận hành, quản lý, mà còn góp phần giúp tránh được lãng phí hệ thống truyền thanh có dây công nghệ cũ.

Việc hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông là một bước chuyển đổi số hiệu quả trong hoạt động thông tin cơ sở, với sự quyết tâm thực hiện của thành phố sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 300 loa có dây và cụm loa không dây, ngoài ra địa phương đã đầu tư được 52 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông.

Mới đây, tỉnh đã ban hành kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin cơ sở đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở phấn đấu đến 2025, 50% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>