Thiết thực chương trình tín dụng với người có công

13/09/2020 | 16:49 GMT+7

Triển khai, thực hiện chương trình tín dụng dành cho người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 5/4/2017 (Nghị quyết số 30) của Hội đồng nhân dân tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Gia đình ông Hồ Công Quân đề nghị NHCSXH nâng vốn cho vay để người có công phát triển chăn nuôi, sản xuất, tăng thu nhập.

Tính nhân văn sâu sắc

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Trung ương cho rằng, đây là chương trình chỉ mới được triển khai duy nhất ở Hậu Giang. Chương trình này mang tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc nên được đông đảo cán bộ và Nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ. Chính sách hỗ trợ vốn sản xuất đối với hộ gia đình người có công với cách mạng đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm lo cho hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng.

Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Việc thực hiện chương trình này thể hiện quyết tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền trong việc chăm lo đến đời sống của các gia đình có công với cách mạng, nhằm hạn chế tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Trong quá trình thực hiện chương trình đã có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp xã nên vốn vay nhanh chóng đến đúng đối tượng thụ hưởng và được theo dõi, quản lý chặt chẽ.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 30 về chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất đối với hộ gia đình người có công với cách mạng đã giúp cho các hộ gia đình có công tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách qua hình thức tín chấp, góp phần tích cực trong công tác cùng chung tay chăm lo cho hộ gia đình chính sách và thực hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên trong cuộc sống, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đã hỗ trợ cho 521 hộ gia đình thực hiện mô hình chăm sóc và cải tạo vườn, 20 hộ gia đình thực hiện phương án buôn bán nhỏ, 15 hộ gia đình mở dịch vụ phục vụ khách hàng và 135 hộ gia đình thực hiện phương án chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Huyện Phụng Hiệp có số gia đình người có công với cách mạng được vay vốn chương trình tín dụng này chiếm tỷ lệ cao nhất so với các đơn vị khác trong tỉnh. Một trong những gia đình có công được vay vốn, ông Đặng Văn Bình, ở ấp 6, xã Hòa Mỹ, phấn khởi cho hay: “Gia đình tôi rất vui khi được Đảng và Nhà nước luôn thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn. Bản thân tôi là thương binh loại 3/4, khi được Nhà nước hỗ trợ cho gia đình người có công vay vốn để sản xuất thì mọi người đều phấn khởi. Ban đầu được vay 20 triệu đồng, tôi đem về đầu tư chăn nuôi. Nay tôi được vay nâng lên 40 triệu đồng, tiếp tục mua 200 cây mít về trồng và nuôi cá thát lát. Đến nay, mít gần 1 năm tuổi sắp cho trái, còn cá cũng sắp tới lứa thu hoạch”.

Có thêm nguồn vốn vay đã tạo động lực cho nhiều hộ gia đình có công vươn lên thành hộ khá, giàu. Ông Hồ Công Quân, ở ấp 6, xã Hòa Mỹ, bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn nên phải đi làm ăn xa để mưu sinh. Sau một thời gian thì quay về quê lo phát triển sản xuất. Bằng nguồn vốn tích cóp được và NHCSXH cho vay, tôi đầu tư chăn nuôi heo, cá, lươn, vịt, gà. Nhờ đó gia đình tôi thoát được hộ nghèo, mỗi năm sau khi trừ chi phí trong chăn nuôi còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng”.

Phát huy hiệu quả

Tùy theo từng nhóm đối tượng hộ gia đình người có công, bình quân số tiền hộ vay được từ 31,8-44,5 triệu đồng. Với số tiền này, nhiều hộ làm ăn hiệu quả muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cho rằng chưa đáp ứng yều cầu. Ông Lý Thành Mông, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Tổ 1 Hội Cựu chiến binh ở ấp 6, xã Hòa Mỹ, cho biết: Trong tổ có 38 hội viên, phần lớn trước đây hộ đều đem cầm sổ lương, nhưng từ khi tỉnh có chương trình tín dụng cho vay hộ gia đình có công đã tạo điều kiện cho hộ làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hiện tại, trong tổ còn 4 hộ nghèo, trong năm nay tổ phấn đấu thoát 2 hộ và sang năm 2021 quyết tâm xóa trắng hộ nghèo. Tuy nhiên, để tiếp sức cho hộ thoát nghèo bền vững thì các cấp chính quyền và NHCSXH cần nâng vốn cho vay lên để đáp ứng nhu cầu của hộ vay.

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hậu Giang, nguồn vốn cho vay hiện nay còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn của hộ gia đình người có công. Hiện mới giải ngân được 691 hộ gia đình người có công trong tổng số hơn 8.000 hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát toàn tỉnh còn trên 1.500 hộ gia đình người có công với cách mạng cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, do vậy nhu cầu nguồn vốn trong thời gian tới khoảng 75 tỉ đồng. Do đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình tín dụng đối với người có công, NHCSXH đề nghị HĐND tỉnh xem xét, tiếp tục chuyển vốn ngân sách năm 2021 và thống nhất dự kiến nguồn vốn trung hạn, mỗi năm đề nghị khoảng 10 tỉ đồng, cộng với nguồn vốn thu hồi nợ hàng năm để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nêu trên.

Khắc ghi đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời nâng cao đời sống Nhân dân và đạt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng đây là nghị quyết mang nhiều hiệu quả về kinh tế và văn hóa, mang tính nhân văn cao. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền và chủ động nguồn vốn để triển khai Nghị quyết số 30 mỗi ngày hiệu quả hơn.

Theo NHCSXH tỉnh, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 (tháng 6-2017) đến nay, chi nhánh đã xem xét cho vay 691 lượt hộ gia đình người có công với cách mạng để phát triển sản xuất, kinh doanh với doanh số cho vay trên 23,9 tỉ đồng, trong đó doanh số thu nợ được trên 4,8 tỉ đồng. Như vậy, tính đến ngày 30-6-2020, dư nợ cho vay còn trên 19,1 tỉ đồng với 651 hộ gia đình có công còn dư nợ, đạt 98,2% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>