Bán cơm bình dân, thu chục triệu đồng mỗi tháng

25/04/2017 | 07:51 GMT+7

Người ta hay dùng từ “cơm bụi” để nói về những tiệm cơm dọc đường, chuyên phục vụ tài xế, công nhân, nhưng bây giờ “cơm bụi” cũng phục vụ đa dạng khách lắm !...

Cứ khoảng 11 giờ, quán cơm phần Chí Công lại tấp nập người ăn.

Mỗi ngày lời vài trăm ngàn đồng

Hơn 6 giờ sáng, quán cơm Chí Công nằm trên đường Ngô Quốc Trị, phường V, thành phố Vị Thanh đã rộn ràng người nói, người cười. Người nhặt rau, người vo gạo nấu cơm, người làm thịt, cá… ai cũng có việc riêng và nhanh tay chuẩn bị các món ăn để kịp phục vụ cơm trưa cho thực khách. Hơn 12 năm gắn bó với công việc bán cơm phần, rồi không biết tự khi nào công việc thường ngày đó đã trở thành cái nghề hay nói đúng hơn là cái nghiệp. Bà Vân, chủ quán vui vẻ nói: “Thường khoảng 10 giờ là đồ ăn được chuẩn bị sẵn sàng hết, đến tầm gần 11 giờ là khách vào càng lúc càng đông. Một mình tui làm đâu có xuể nên phải thuê thêm mấy người nữa làm phụ mới kịp”.

Làm hài lòng thực khách bởi sự đa dạng về món ăn, những quán cơm phần còn không chỉ giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập mà còn giúp cho nhiều lao động có được việc làm ổn định. Trung bình mỗi ngày quán cơm Chí Công bán hơn 100 phần cơm. Không chỉ bán cho khách ăn tại quán, cơm phần ở đây còn được giao tới nơi cho những khách có nhu cầu đặt. Để tạo sự đa dạng, phong phú về món ăn cho thực khách dễ dàng lựa chọn mỗi ngày, chủ quán đều làm từ 10-12 món ăn khác nhau như: cá chiên, cá kho, thịt kho hột vịt, vịt kho gừng… và luân phiên thay đổi từng ngày.

Mấy năm nay, đầu Quốc lộ 61C đường nối Vị Thanh - Cần Thơ về đến cầu Bốn Thước, hàng quán cũng mở ra tấp nập, trở thành khu ăn uống nhỏ ngay cửa ngõ của thành phố Vị Thanh. Ông Huỳnh Văn Ngộ, chủ quán cơm Ngoại Thành, ở đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, cho biết: “Hồi đó, đường ở đây mới mở còn vắng vẻ lắm, nhà cửa, quán xá làm gì có. Bốn, năm năm nay, xe cộ giao thương tấp nập hẳn lên mọi người qua lại cũng nhiều nên tôi mới mở quán bán cơm này”. Hiện nay, khách ghé ăn cơm ở quán thường là khách đi đường, người đi làm hoặc học sinh, sinh viên ở các trường xung quanh. Nếu bán cơm dĩa món ăn chỉ đơn giản là thịt nướng hay gà nướng, còn bán cơm phần thì đòi hỏi đa dạng món hơn. Mỗi phần cơm ở đây có giá bán khoảng 30.000 đồng. Mỗi ngày trừ hết chi phí trung bình chủ quán cũng lời được khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày.

Quán ngon níu chân thực khách

Tận dụng mặt bằng trước nhà để mở quán bán cơm, hơn 5 năm nay, quán cơm phần 666 cũng được nhiều người biết đến bởi những món ăn ngon và sự vui tính của bà chủ nơi đây. Bà Xa, chủ quán cơm, chia sẻ: “Giờ ở đây nhiều quán bán quá, nên khách cũng đến rải rác, chứ không còn đắt như hồi trước nữa. Bán cơm phần này cực nhất là làm đồ ăn, món ăn mỗi bữa phải mỗi khác vậy mới thu hút khách được. Thấy vậy chứ nghề này cực lắm, đứng nấu nướng suốt trong bếp chứ có được nghỉ ngơi gì đâu”.

 Đa phần các quán cơm phần ở khu vực đầu đường nối Vị Thanh - Cần Thơ thường nhộn nhịp từ khoảng 10 sáng trở về chiều. Để kịp chuẩn bị đồ ăn, chủ quán phải dậy từ rất sớm để đi chợ. Ngày nay, các quán cơm phần được mở ra cũng nhiều hơn, vì vậy ngoài nêm nếm thức ăn cho vừa miệng, thì thái độ phục vụ của mỗi quán cũng đóng vai trò rất quan trọng để giữ chân được thực khách.

Những quán cơm phần đó, không chỉ giúp cho gia chủ “phất lên”, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhất là lao động nông thôn. Chị Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, đang phụ bán cơm ở quán cơm 666, tâm sự: “Lúc trước, tui theo chồng đi phụ làm hồ, công việc cũng cực, nhưng ít có thời gian chăm sóc mấy đứa con. Thấy quán cơm này mở, cũng gần nhà nên xin lên đây phụ bán để tiện đưa rước mấy đứa nhỏ đi học luôn”…

Khi một ngày mới bắt đầu, bên bếp lửa đỏ rực ở các quán cơm, các bà, các chị và cả những người đàn ông đảm đang nữa sẽ thật nhanh tay để làm ra những món ăn nóng hổi sẵn sàng phục vụ cho thực khách. Rồi nụ cười niềm nở của những bà chủ quán hay cô phục vụ nơi đây sẽ níu chân người ăn, chờ ngày trở lại. Tính ra, ẩm thực cũng là cách để người ta nhớ đến tên đất, tên người ở Hậu Giang…

Phục vụ đa dạng thực khách

Bà Vân, chủ quán cơm Chí Công, chia sẻ: “Cơm bình dân này, không chỉ dân lao động ngoài tỉnh ghé ăn, mà còn phục vụ cho cả cán bộ, công chức, viên chức nữa. Công việc này không chỉ phải thức khuya dậy sớm, mà còn tiếp xúc với bếp lửa nhiều nên cũng nguy hiểm lắm. Hơn chục năm gắn bó với công việc bán cơm phần này, mỗi ngày làm quen với không biết bao nhiêu khách, trò chuyện, quen biết thấy vui, bây giờ thấy yêu nghề lắm, có chuyện nghỉ một bữa là buồn…”.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>