Tập trung xóa đói giảm nghèo

12/11/2018 | 09:03 GMT+7

Nhờ tập trung nhiều giải pháp, sau hơn nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó đời sống người dân từng bước được nâng lên, hộ nghèo giảm nhanh.

Vận động xây dựng nhà cho hộ nghèo là một trong những kết quả nổi bật mà thị trấn Kinh Cùng thực hiện thời gian qua.

Ông Nguyễn Bé Ba, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn, cho biết: “Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, toàn thị trấn có đến 17% hộ nghèo. Do đó, ngoài công tác xây dựng Đảng, tập trung phát triển kinh tế thì công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ đột phá thứ 3 mà chúng tôi xác định để thực hiện trong cả nhiệm kỳ”.

Thông qua nhiều cách làm như tổ chức đối thoại, phát phiếu thăm dò, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có cách giúp đỡ phù hợp thì thị trấn còn tập trung vận động xây dựng nhà, hỗ trợ vốn, giới thiệu tham quan những mô hình làm ăn hiệu quả để hộ nghèo có hướng xây dựng phù hợp.

Một trong những kết quả mà Đảng bộ thị trấn thực hiện hiệu quả trong chăm lo hộ nghèo nửa nhiệm kỳ qua là đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thị trấn đã tranh thủ nhiều nguồn ủng hộ xây dựng 18 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, tổng kinh phí trên 700 triệu đồng.

Như căn nhà đại đoàn kết vừa được bàn giao cho anh Nguyễn Trung Việt, ở ấp Hòa Long A, tháng 10 vừa qua.

Hộ anh Việt ít đất sản xuất, thuộc diện khó khăn. Do quanh năm làm thuê nên không có điều kiện cất lại nhà cũ đã hư hỏng. Thấy được khó khăn đó, chính quyền địa phương tổ chức vận động mạnh thường quân hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng lại căn nhà cho anh với diện tích 60m2, đảm bảo tiêu chí 3 cứng… Anh Việt cho biết: “Giờ đây gia đình không còn bận tâm về chỗ ở nữa, an tâm lao động để lo cuộc sống”.

Ngoài ra, bằng nhiều cách làm thiết thực, các ban, ngành, đoàn thể địa phương còn nhận đỡ đầu cho hộ nghèo xây dựng mô hình làm ăn mới. Như trường hợp của ông Trịnh Thanh Hằng, ở ấp 6.

Cách đây 3 năm, gia đình ông thuộc diện nghèo. Do gia đình có hơn 5 công đất nhưng chưa tìm được loại cây trồng phù hợp nên kinh tế khá eo hẹp.

Hưởng ứng phong trào chuyển đổi cây trồng do địa phương phát động, ông Hằng được giới thiệu tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ nên về vay vốn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng thanh long. Vụ rồi, ông Hằng thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ông Hằng chia sẻ: “Nhờ địa phương định hướng được loại cây trồng phù hợp nên đời sống kinh tế gia đình hiện nay ổn định. Năm rồi, gia đình tôi đã trả sổ hộ nghèo để địa phương giúp đỡ cho hộ khó khăn hơn”.

Ông Phan Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Kinh Cùng, cho biết: “Không riêng trường hợp ông Hằng, mà hầu hết những hộ muốn chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là hộ nghèo thì Hội Nông dân thị trấn đều đến thăm hỏi, định hướng cũng như giới thiệu cho tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả để có thể tự chọn cho mình cách làm ăn phù hợp”.

Đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ thị trấn, trong 13 chỉ tiêu, có 3 chỉ tiêu hoàn thành cả nhiệm kỳ, 10 chỉ tiêu đạt trên 80% nghị quyết. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo từ 17% đầu nhiệm kỳ giảm còn 9,7%; riêng năm 2018 này, qua bình xét, tỷ lệ hộ nghèo ở thị trấn giảm 2,2%, tương đương 55 hộ. Tính đến nay, thị trấn có 143 mô hình cho thu nhập 50 triệu đồng, 19 mô hình cho thu nhập từ 100-500 triệu đồng và 11 mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Góp phần nâng thu nhập bình quân ở địa phương lên 40 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 7 triệu đồng so đầu nhiệm kỳ.

Thông tin thêm về thị trấn Kinh Cùng, ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, nói địa phương này có nhiều biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thiết thực, rất đáng nhân rộng.

Ông Trần Bé Ba cho biết thêm: “Mục tiêu của Đảng bộ là đến cuối nhiệm kỳ sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5%. Do đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cho từng năm, giao chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu, giúp hộ nghèo xây dựng mô hình làm ăn mới. Cũng sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách giới thiệu cho hộ có nhu cầu xây dựng mô hình làm ăn mới để từng bước vươn lên thoát nghèo”.

“Nếu tiếp tục phát huy các mặt tích cực gắn với tranh thủ sự ủng hộ của bên ngoài, lắng nghe nhu cầu của hộ dân thì địa phương sẽ sớm xóa được nghèo trong dân, xây dựng đời sống bà con thêm khá giả”, ông Trần Không Dận nhấn mạnh.

Bài, ảnh: THANH DUY - TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>