Gánh nặng về giá

08/06/2017 | 07:29 GMT+7

Chưa đầy nửa năm, người tiêu dùng trong tỉnh liên tiếp gánh những đợt biến động của thị trường, dù hàng hóa vẫn dồi dào. Áp lực giá cả khiến nhiều chợ sụt giảm trầm trọng về sức mua.

Giá cả các mặt hàng thực phẩm (trừ thịt heo), rau, củ, đồ dùng thiết yếu đang biến động nhiều đợt, vì thế mà sức mua có dấu hiệu giảm mạnh.

Áp lực giá tăng

Dù bước vào thời điểm lượng hàng hóa rất phong phú, đa dạng chủng loại nhưng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân vẫn còn cao ngất ngưởng làm cho các bà nội trợ không ngừng than thở. Nếu so sánh giá cả các loại hàng hóa ngay thời điểm hiện tại với những ngày trước Tết Nguyên đán thì có giảm chút ít, nhưng nếu so với giá của thời điểm cùng kỳ những năm trước thì vẫn cao hơn rất nhiều. Bởi vì giá các mặt hàng thực phẩm (trừ thịt heo), rau, củ, đồ dùng thiết yếu đang biến động nhiều đợt.

Chị Nguyễn Đan Thanh, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, vừa đẩy xe hàng trong siêu thị VinSmart vừa than thở: “Trong giỏ có cả thịt heo, thịt bò, cá, rau... mua để dùng nhiều ngày, chứ mỗi ngày ra chợ mua thì tiền đội lên nhiều lắm. Ngoài thịt heo giảm giá, còn mấy thứ khác hầu như không giảm mà tăng thêm. Từ bột giặt, nước giặt, nước lau sàn cho đến nước mắm, nước tương, hạt nêm đều tăng giá không dưới 10%, chỉ còn muối và bột ngọt là chưa tăng thôi. Trước đây, đi siêu thị mua đồ dự trữ cho cả nhà ăn trong khoảng 3-4 ngày thì tốn khoảng 300.000 đồng, nhưng hiện nay cũng mua bấy nhiêu đó phải bỏ thêm 50.000-100.000 đồng nữa”.

Còn chị Trang đến quầy rau, củ bấm bụng lựa bó rau muống, cà chua và mua cá điêu hồng… để nấu canh chua đã hơn 50.000 đồng. Theo chị Trang, gia đình gồm 4 người như nhà chị lúc trước chỉ cần 50.000-60.000 đồng là đủ, giờ phải tăng gần gấp đôi. “Giá cả tăng chóng mặt như vậy làm tôi thấy ngại mỗi khi tính toán chi tiêu trong nhà”, chị Trang tâm sự.

Khu bán cá, hải sản ở chợ tạm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A vốn là nơi có nhiều khách thân thuộc là công nhân. Cầm mấy con cá rô làm sẵn trên tay, chị Phan Thị Diệu Hương cho biết: “Mọi khi giá 25.000 đồng/kg vậy mà nay trả 27.000 đồng/kg cũng không bán. Bà bán cá nói giá lên từ chiều hôm qua, phải bán giá 30.000 đồng/kg mới có lời, không thể giảm hơn”.

Tiểu thương than ế

Sạp hàng rau, củ của ông Hoàng ở chợ tạm Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh sau một ngày vẫn gần như còn nguyên các loại rau, củ. Bốc từng mớ rau xếp lên xe, ông Hoàng thở dài: “Chở đi 50kg thì chở về 30kg. Lúc trước, hễ tới giờ tan ca là hầu như bán gần hết hàng. Mấy bữa nay công nhân mua ít quá, chắc thấy hàng nào cũng lên giá nên ai cũng mua ít lại. Tôi lấy hàng sỉ ở mấy rẫy dây trong tỉnh mà còn mắc vậy, chứ mấy tiểu thương lấy hàng từ các điểm bỏ mối từ nơi khác giá còn cao hơn nhiều”.

Những ngày qua, ngay cả tiểu thương ở khu vực kinh doanh các loại rau, củ của chợ Vị Thanh cũng than ế. Theo tiểu thương, số lượng người đi chợ giảm một nửa, lượng hàng bán ra cũng giảm mạnh. “Ngày bình thường tôi bán được 40-50kg rau, củ thì nay chỉ còn 20-30kg. May mà tôi lấy vừa đủ, không bị ế hàng”, chị Tiến, tiểu thương ở chợ Vị Thanh cho hay.

Cùng tình cảnh trên, chị Thủy kinh doanh hàng quần áo may sẵn tại chợ Vị Thanh, cho biết: “Thường thì người đi chợ mua miếng thịt, con cá, khi đó họ tranh thủ ghé qua các gian hàng chúng tôi mua áo quần, giày dép. Từ cuối tháng 5 đến giờ, lượng hàng đặt về giảm trên 30% vì sợ ít người mua. Người đi chợ ít thiết tha vô nhà lồng này lắm. Họ thích đến các shop, mua online hoặc vô trung tâm thương mại”.

Chị Hồng, kinh doanh ngành hàng trái cây ở thành phố Vị Thanh, lo lắng: “Vô mùa chính vụ trái cây thường bán rất chạy. Đâu ngờ, năm nay giá trái cây lại tăng đột biến (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái) nên mùa nóng năm nay sức mua tại chợ không tăng bao nhiêu so với bình thường và giảm khoảng 40% so với năm trước, trong khi chi phí cho việc đi lại buôn bán và ăn uống đều tăng cao”.

Còn bà Lê Thị Tuyền, kinh doanh nhựa gia dụng tại chợ Vị Thanh, than thở: “Từ đầu tháng 2 đến giờ giá hàng nhựa gia dụng tăng hơn 30% làm sức mua tại chợ vốn đã thấp lại càng thấp thêm. Hiện nay, không chỉ lượng hàng bỏ mối bị giảm mạnh mà ngay cả người đi chợ cũng dè dặt. Với tình hình này, tiền gối đầu ở các tiểu thương khó có thể thanh toán liền”.

Theo các ngành chuyên môn, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 4,9% so với cùng kỳ và bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,6% so với bình quân 5 tháng đầu năm 2016. Trong đó, nhóm ăn uống ngoài gia đình; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác tăng từ 0,9-60% so với cùng kỳ năm trước.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>