Giá thịt lợn sụt giảm đã tác động trực tiếp lên chỉ số CPI tháng Năm

29/05/2017 | 15:10 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giá thịt lợn giảm đã tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Năm, do ngành hàng thực phẩm luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Cụ thể, chỉ số giá tại nhóm thực phẩm giảm 2,27%, tác động giảm CPI chung khoảng 0,51%

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngày 29/5) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã giảm 0,53% so với tháng Tư.

Tuy nhiên, CPI kỳ này vẫn tăng 3,19% so với năm ngoái, song chỉ nhích nhẹ 0,37% so với tháng 12 năm 2016. Như vậy, CPI bình quân năm tháng so với cùng kỳ có mức tăng 4,47%.

Nhóm hàng ăn giảm mạnh

Theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm có sự tác động không nhỏ từ chỉ số giá nhóm thực phẩm, mà chủ yếu mức giảm đến từ nhóm thịt tươi sống.

Trên thị trường, giá thịt lợn giảm 9,94% so tháng trước, bởi nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu lại không tăng đồng thời thương lái Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua, điều này đã kéo dài nhiều tháng qua.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm lương thực cũng giảm 0,06% là do các tỉnh phía Bắc đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, cùng với tình hình xuất khẩu lúa gạo giảm đã kéo giá một số loại gạo đi xuống.

Nhiều nhóm cùng điều chỉnh

Theo Báo cáo, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm hàng giảm giá, bao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức giảm 1,43%, giao thông giảm 0,34%, bưu chính viễn thông giảm 0,05%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.

Bà Ngọc chỉ ra các yếu tố tác động khác, như giá xăng tiếp tục giảm 520 đồng/lít, dầu diezen giảm 550 đồng/lít (ngày 5/5 và 20/5) dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,71% so với tháng Tư đồng thời góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,03%.

Ngoài ra, giá gas trong nước cũng điều chỉnh giảm 23.000đ/bình 12 kg, giảm tương đương 6,73% (ừ ngày 1/5), do giá gas thế giới giảm bình quân 72,5 USD/tấn so với tháng trước, xuống còn 387,5 USD/tấn.

Như vậy, trong rổ tính CPI chỉ có 7 nhóm hàng tăng giá, song mức tăng cũng không đáng kể, cụ thể nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%, may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%, giáo dục tăng 0,02%.

Chỉ số giá USD và vàng cũng đi xuống

Giá vàng trong nước tiếp tục biến động thế giới, bình quân giảm 0,1% so với tháng trước và dao động quanh mức 3,6 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Bà Ngọc phân tích, giá vàng sau khi tăng mạnh trong tháng Tư, bởi tình hình căng thẳng chính trị ở Syria và bán đảo Triều Tiên, nhưng sang tháng Năm đã giảm, là do hai đảng của Mỹ đạt được thỏa thuận về ngân sách hoạt động trị giá 1.000 tỷ USD giúp chính phủ Mỹ hoạt động đến 30/9 và khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Bên cạnh đó, kết quả của cuộc bầu cử Thủ tướng Pháp và thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất sớm cũng làm cho giá vàng thế giới giảm,” bà Ngọc trao đổi.

Trên thị trường, đồng bạc xanh sau khi liên tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trong tháng Tư (do những bất ổn chính trị từ quốc tế), hiện đã ngừng giảm hơn, bên cạnh đó dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khá dồi dào đã đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp, nên giá USD trong nước chỉ giảm nhẹ, bình quân ở thị trường tự do trao đổi ở mức 22.600-22.700 VND/USD.

Điều hành ổn định

Trong tháng này, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tăng nhẹ 0,08% so với tháng Tư và tăng 1,33% so với cùng kỳ đồng thời tăng 1,56% trong năm tháng so cùng kỳ.

“Các yếu tố chi phí đẩy như thực phẩm, xăng dầu đều giảm giá, trong khi biến động của CPI chung trong tháng phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý nên chỉ số giá tiêu dùng chung trong tháng so với tháng trước sẽ thấp hơn lạm phát cơ bản," đại diện Cục Thống kê giải thích.

Bình quân 5 tháng lạm phát cơ bản là 1,56% và thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, điều này cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định,” bà Ngọc đánh giá./.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>