Kỳ vọng Tây Đô chuyển mình

10/08/2018 | 08:06 GMT+7

Hôm nay 10-8, Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018 diễn ra với chủ đề “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”. Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ông Trương Quang Hoài Nam chia sẻ một cách chân thành: “Chọn chủ đề chia sẻ tiềm năng, chúng tôi mong các địa phương trong vùng cùng phát triển. Cần Thơ không có gì lo ngại khi các tỉnh lân cận thu hút được nhiều nhà đầu tư. Trái lại cùng với sự kết nối hạ tầng thương mại, dịch vụ của Cần Thơ sẽ tương tác hỗ trợ cùng nhau phát triển”.

Một góc thành phố Cần Thơ.

Trong 2 năm trở lại đây, một số tỉnh, thành ở ĐBSCL đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng cách chọn chủ đề của Cần Thơ lần này khá hay và hàm chứa thông điệp vị trí “đắc địa của Cần Thơ”! Cuối tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Khi đó, Hậu Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 4.500 tỉ đồng. Đây vẫn là con số khiêm tốn. Song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít”. Đây cũng là một lời nhắc rất hữu ích cho các địa phương khi tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư.

 Hiện Hậu Giang đang xúc tiến nhiều công việc để chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (2004-2019). Đây cũng là dấu mốc của tỉnh Cần Thơ được chia tách, thành lập thành: Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang. Có thể nói sau giải phóng, tỉnh Hậu Giang (bao gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang hiện nay) là một trong những địa phương đi đầu đóng góp lương thực cho cả nước, góp phần đưa cả nước vượt qua những giai đoạn khó khăn về lương thực. Cùng lúc này, TP.Cần Thơ cũng đang kiểm điểm lại nhiều công việc để chuẩn bị tổng kết Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ rất lâu, nhiều người vẫn gọi Tây Đô để chỉ địa giới hành chính của Cần Thơ. Nói nôm na trong lòng nhiều người nhìn nhận “Tây Đô - như thủ đô của miền Tây”. Điều đó không có gì sai, vì vị trí chiến lược nằm giữa trung tâm ĐBSCL. Thành phố Cần Thơ được bao quanh bởi những con sông: sông Hậu, sông Cần Thơ, Bình Thủy, Ô Môn… Ngay sau khi chia tách, lãnh đạo địa phương đã nhận ra “chiếc áo” của quận Ninh Kiều - quận trung tâm của thành phố ngày càng “hẹp” cho không gian đô thị. Cùng lúc này, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành đã tạo động lực cho Cần Thơ chuyển mình. Lâu nay không chỉ Cần Thơ mà cả vùng ĐBSCL “than khó” là: Qua sông lụy phà (phà Cần Thơ), cảng xuất nhập khẩu thì mắc cạn, sân bay Cần Thơ thì “thưa thớt” vài chuyến bay… Song đến nay điều này đã hoàn toàn thay đổi: Cầu Cần Thơ đã nối liền hai bờ sông Hậu; cùng với cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui và cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là “bộ ba” đã được kiện toàn. Cùng với Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL nằm trên địa bàn chắc chắn đây là những “cơ sở hạ tầng” nền tảng cho toàn vùng phát triển.

Bản thân thành phố Cần Thơ cũng đã đột phá “cởi bỏ chiếc áo chật hẹp” từ quận trung tâm Ninh Kiều để mở rộng không gian phát triển đô thị. Theo đó, các trục đường quan trọng như 91B, Nam Sông Hậu, đường Võ Văn Kiệt, lộ 20 nối dài… bước đầu đã tạo nên một không gian kiến trúc đô thị mở cho Cần Thơ. Cách đây 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Cần Thơ về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, kinh tế tăng trưởng khá cao, đạt 13,98%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, tương đương 3.636 USD/năm, tăng gần 3,65 lần so với năm 2005 và cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành đưa vào sử dụng, nhất là hạ tầng giao thông phát huy tốt hiệu quả, bước đầu tạo sự kết nối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và toàn vùng.

Song, lãnh đạo Cần Thơ cũng nhìn nhận: So với mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 45-NQ/TW đã đề ra, Cần Thơ còn những mặt hạn chế: Kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; công nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chất lượng, năng lực cạnh tranh còn thấp; việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp triển khai còn chậm; môi trường, cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư; chất lượng quy hoạch còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Vai trò trung tâm, động lực, sức lan tỏa của Cần Thơ trong vùng còn hạn chế.

Không chỉ ĐBSCL, mà nhiều địa phương cũng đang kỳ vọng về Cần Thơ, trong đó có hiệu quả từ Hội nghị xúc tiến đầu tư này. Được biết, tại hội nghị, Cần Thơ sẽ công bố danh mục 54 dự án mời gọi đầu tư trên diện tích 4.780ha, với nguồn vốn gần 124.000 tỉ đồng. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng nông nghiệp hiệu quả cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin; logistics và năng lượng; cơ sở hạ tầng du lịch, bất động sản… Trong đó, 44 dự án đã có nhà đầu tư quan tâm; 22 dự án sẵn sàng đầu tư ngay. Đặc biệt, nhiều dự án có 2 nhà đầu tư đã đăng ký. Một chi tiết đáng chú ý, tại cuộc họp báo về hội nghị, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng thẳng thắn công bố thông tin về việc: Cần Thơ thu hồi Dự án khu du lịch Sông Hậu với mức đầu tư gần 500 tỉ đồng. “Nhà đầu tư đến với TP.Cần Thơ phải có trách nhiệm, nói 4 năm là 4 năm, 5 năm là 5 năm (phải hoàn thành - PV). Nếu nhà đầu tư chấp nhận dự án này, với vốn đầu tư phải có đủ nguồn lực. Thành phố không thể vì một nhà đầu tư như vậy mà chờ đợi được. Chúng tôi không muốn làm nản lòng nhà đầu tư. Nhưng nhà đầu tư phải có trách nhiệm”, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nhấn mạnh.

Trong tháng 7-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ. Và mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2018/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội của Cần Thơ với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng ĐBSCL vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh vùng ĐBSCL.

 Hy vọng từ hội nghị lần này, sẽ mở ra bước ngoặt vững chắc cho các nhà đầu tư có tiềm lực, muốn đầu tư, đóng góp vào sự phát triển của Tây Đô để “tương tác” cho sự phát triển vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: CAO PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>