Chủ động phòng, chống lũ

22/10/2018 | 08:24 GMT+7

Sau đợt triều cường vừa qua, nước dâng làm ngập cục bộ nhiều diện tích canh tác và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Ngành chức năng các địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với đợt triều cường tới.

Sau sự cố tràn nước, vỡ đập, huyện Châu Thành đã khẩn trương bố trí lực lượng giúp dân khắc phục.

Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường Biển Đông và gió mùa Đông Bắc đã gây ra thiệt hại ở một số địa phương. Tại huyện Phụng Hiệp, thời gian đầu khi triều cường dâng làm ngập diện tích hơn 4.900ha. Dù một số hộ dân đã chủ động bơm tát, nhưng mực nước dâng cao làm diện tích mía ngập tăng lên trên 5.644ha. Trong đó, tỷ lệ thiệt hại 30-70% là 1.723ha, tỷ lệ thiệt hại hơn 70% là 75,8ha, diện tích 3.846ha còn lại nếu triều cường còn lên mía có hiện tượng xuống lá và có một số diện tích bị chết từ 3-5%. Ngoài diện tích canh tác, nước dâng trong đợt vừa qua làm ngập phần sân của 14 điểm trường; trên 30.000m lộ giao thông; 16.000m đê bao; 917 căn nhà; ngập phần sân của 1.235 hộ dân.

Ngoài huyện Phụng Hiệp thì huyện Châu Thành cũng là địa phương chịu tác động nhiều do ảnh hưởng lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường. Cụ thể, từ ngày 10 đến 12-10 vừa qua, nước dâng tràn một số tuyến lộ, đê trên địa bàn huyện Châu Thành làm ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống, sản xuất của người dân. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Châu Thành thì toàn huyện có 56 tuyến đê bao bị tràn nước cục bộ với tổng chiều dài trên 81km, tràn 24 đập; bể 4 đập, ngập 2 trường học, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng.

Người dân kể lại, sáng ngày 9-10 đập Năm Mọi, ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, bất ngờ bị bể, chiều ngang khoảng 2,5m. Sự việc xảy ra quá bất ngờ làm ảnh hưởng khoảng 10 hộ dân xung quanh, 15ha mít Thái và 2,5ha ba ba bị ngập với số lượng thả nuôi 52.000 con (khoảng 10.000 con thịt, 15.000 con lứa và 27.000 con giống mới thả). “Hôm đó đập bể, nước tràn vào quá nhanh. Mấy miếng tôn tôi mới mua để che chắn trong ao ba ba còn chưa kịp làm thì nước đã tràn vào. Trước đó một ngày, tôi đã thuê xáng múc đất chuẩn bị be, đắp bên ngoài nhưng còn chưa làm kịp thì vỡ đập. Trong ao tôi nuôi 1.500 con ba ba, mỗi con cũng khoảng 300-400 gram, nước tràn vào ngập hết. Hiện giờ nước đã rút, ao vẫn còn ba ba nhưng chưa thống kê được thiệt hại cụ thể”, bà Nguyễn Thị Xu, ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, buồn bã kể.

Ngay trong ngày, các địa phương ở huyện Châu Thành đã vận động khắc phục xong con đập bể, đồng thời đắp đất gia cố thêm trên toàn tuyến sông Cái Muồng. Hiện nay dù nước đã rút, nhưng người dân vẫn còn lo lắng bởi dự báo tới đây sẽ còn hai đợt triều cường dâng. Tính đến nay đã khắc phục tạm thời các tuyến đê bảo vệ vườn cây ăn trái cho nông dân với chiều dài khoảng 22.600m, khối lượng 11.000m3, kinh phí 119 triệu đồng từ nguồn vận động trong dân và kinh phí địa phương. Ngoài ra, khắc phục 26 đập, chiều dài 298m, khối lượng 205m3, kinh phí 97 triệu đồng. Địa phương sẽ tiếp tục vận động Nhân dân gia cố các tuyến đê đã tràn và nguy cơ tràn trong thời gian qua. Gia cố lại các con đập bị vỡ để đảm bảo an toàn trong mùa lũ, đảm bảo việc đi lại cho Nhân dân. Về lâu dài, tiếp tục kiến nghị di dời và nâng cấp các tuyến đê trên địa bàn.

“Vừa qua, triều cường dâng nhanh, mực nước cao hơn trung bình nhiều năm. Sự cố tràn, bể đập đã làm ảnh hưởng đến các hộ nuôi ba ba trên địa bàn. Qua theo dõi của ngành, nước tràn gây ngập làm ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất cây trồng, đặc biệt là cam, bưởi, mít và một số rau màu khác. Tuy nhiên, thiệt hại về cây trồng không đáng kể, ước tính chỉ khoảng 2-5%. Việc nâng cấp các đập vỡ và các tuyến đê ở khu vực xung yếu được khẩn trương thực hiện và đã hoàn tất. Theo dự báo, vào ngày 17 và 18-9 âm lịch và đợt triều vào ngày mùng 2, mùng 3 tháng 10 âm lịch tới đây đỉnh triều sẽ tiếp tục cao”, ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thông tin.

Ngành chức năng ở Châu Thành đã chỉ đạo tổ kỹ thuật, cán bộ ngành xuống dân hướng dẫn cách phòng trị các loại nấm bệnh trong mùa mưa lũ, nhất là bệnh thối rễ trên cây có múi. Khuyến cáo người dân cần có biện pháp xử lý hạ phèn sau khi nước rút để không làm ảnh hưởng lớn đến năng suất về sau. Đối với cây trồng đến kỳ khi thu hoạch thì bà con tranh thủ thu hoạch trước lũ. Ngoài ra, đề nghị người dân thường xuyên kiểm tra đê, đập trước nhà để khắc phục sớm nhất khi phát hiện sự cố. Chủ động máy bơm thoát nước đề phòng tình huống nước ngập cục bộ dài ngày.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, cho biết: Sau khi nước rút, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung gia cố những tuyến đê đã bị tràn và sạt lở để đảm bảo không bị tràn cục bộ như con nước vừa qua. Ngoài ra, chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Điện lực, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp tuyên truyền trong dân đảm bảo an toàn cho trẻ, không để xảy ra sự cố đáng tiếc như đuối nước hay chập điện. Nhất là thông tin cho các điểm trường hết sức chú ý an toàn cho học sinh. Chúng tôi đã chỉ đạo cho phòng Kinh tế và Hạ tầng làm việc với Điện lực có kế hoạch khắc phục nhanh tuyến đường điện có nguy cơ chập hoặc còn thấp, nhất là đối với các địa bàn xung yếu.

Để chủ động đối phó với tình hình mưa kết hợp triều cường gây ngập úng cục bộ và tràn đê ở một số địa phương như thời gian qua, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ. Tăng cường gia cố, nâng cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở để bảo vệ vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng hoa màu... Ngoài ra, thực hiện khẩn cấp các giải pháp bảo vệ diện tích lúa Thu đông có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ. Tổ chức thu hoạch lúa đã chín trên đồng ở vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh thiệt hại. Đối với huyện Phụng Hiệp có vùng mía nguyên liệu, đây là vùng trũng, thấp, nước lũ ngập úng cục bộ nên chính quyền địa phương cần hỗ trợ người dân thu hoạch mía chạy lũ. Tăng cường thời lượng phát thanh, truyền tin ở các khu vực, ấp, xã, phường, thị trấn để kịp thời đưa tin về diễn biến lũ; hướng dẫn kỹ năng cho cộng đồng để chủ động phòng tránh và ứng phó phù hợp…

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>