Định cư nhưng chưa an cư

22/06/2023 | 07:53 GMT+7

Mất đất, mất nhà, mất luôn tài sản, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng là những nỗi lo sợ luôn ám ảnh trong tâm trí người dân khi sống cạnh miệng “hà bá”. Tại Hậu Giang, hàng loạt vụ sạt lở liên tiếp xảy ra thời gian gần đây khiến mong mỏi có chỗ an cư của bà con càng thêm cấp thiết...

Bài 1: Khi dòng sông thịnh nộ

Một dòng chảy cuốn qua, nhà cửa, tài sản, đường sá nông thôn chìm trong dòng nước. Tất cả diễn ra trong tích tắc khiến người dân không kịp trở tay. Sạt lở bờ sông đang trở thành nỗi khiếp sợ khi mùa mưa đã bắt đầu.

Nhà cửa của người dân ven tuyến kênh Nàng Mao, ở xã Tân Long, bỏ trống vì sợ sạt lở.

Mất trắng vì sạt lở

Dòng sông quê không còn bên lở, bên bồi, thay vào đó là nỗi bất an của người dân sống dọc theo các con sông, kênh, rạch. Mấy năm gần đây, sạt lở tại ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng thường đến bất thình lình, sẵn sàng xé toạc nền đất yếu, cuốn trôi tài sản và cả tính mạng của người dân.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 21-6, toàn tỉnh ghi nhận 46 điểm sạt lở, chiều dài 1.158m, diện tích mất đất 7.005m2, ước thiệt hại 4,559 tỉ đồng. So với cùng kỳ tháng 6-2022, sạt lở tăng 34 điểm, chiều dài sạt lở tăng hơn 800m, diện tích mất đất tăng hơn 5.200m2 và thiệt hại tăng hơn 3,8 tỉ đồng. Đáng chú ý, những ngày đầu tháng 6, mỗi ngày tỉnh đều ghi nhận từ 1 đến 4 điểm sạt lở.

Sạt lở nuốt chửng đất đai, nhà cửa của người dân.

Huyện Châu Thành là điểm nóng về sạt lở của tỉnh hiện nay. Gần đây nhất là vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng ngày 8-6, tại phần đất của hộ ông Nguyễn Văn Dũng, kênh Mái Dầm, thị trấn Mái Dầm. Sạt lở bờ kênh với chiều dài 17m, sâu vào bờ nơi rộng nhất hơn 6m, diện tích mất đất gần 100m2. Vụ sạt lở làm sụp 1 căn nhà tường mái tôn xuống sông, ước tổng thiệt hại hơn 330 triệu đồng.

Với người sinh sống ven các con sông, kênh, rạch của huyện Châu Thành, sạt lở ngày càng phức tạp và đến bất ngờ. Sinh sống ven sông Phú Hữu, ông Nguyễn Hữu Xèng chứng kiến và hiểu sự nguy hiểm của sạt lở. Ông Xèng kể lại: “Tôi thấy rất nguy hiểm. Đang yên đang lành, con lộ bê tông kiên cố đột ngột đổ sụp xuống sông Phú Hữu, ra đến tận giữa lòng sông…”.

Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, với ảnh hưởng của triều cường, dòng chảy và địa chất của huyện tương đối yếu, việc sạt lở đất xảy ra rất nhiều. Huyện cũng tiếp tục tuyên truyền cho người dân và chính quyền địa phương ở các xã, thị trấn không để người dân xây dựng lấn chiếm ở phạm vi an toàn lòng sông, gia cố lại các nơi có nguy cơ sạt lở, kè sinh thái để hạn chế dòng chảy và hạn chế tác động sóng tàu thuyền vào đê. Về lâu dài, địa phương cũng đề xuất về trên có nguồn kinh phí để có giải pháp di dời các tuyến lộ giao thông nông thôn vào nơi an toàn.

Ngoài huyện Châu Thành thì sạt lở còn đe dọa nhiều nơi ở huyện Phụng Hiệp. Đáng lo nhất là hai bên bờ kênh xáng Nàng Mao, đoạn qua xã Tân Long. Từ đầu năm đến nay, khu vực này có 5 căn nhà bị sụp, làm mất gần 200m2 đất, thiệt hại tài sản hơn 300 triệu đồng. Theo thống kê của UBND huyện Phụng Hiệp, tính riêng ấp Thạnh Lợi A1, Thạnh Lợi A2 và Thạnh Lợi C nguy cơ sạt lở rất cao, chiều dài nguy cơ sạt lở là 1.500m.

Ông Lê Văn Hổ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Tình hình sạt lở dọc hai bên bờ kênh xáng Nàng Mao, đoạn gần chợ Cầu Trắng rất phức tạp, nguy hiểm đến tính mạng cũng như ảnh hưởng tài sản của người dân. Sạt lở liên tục từ năm 2015 đến nay, gần đây mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Một số hộ đã dọn ra ngoài thuê trọ do không có đất ở, những người còn lại chỉ dám ngủ ở phía trước, nhưng rất nguy hiểm”.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của sạt lở, hàng năm tỉnh đều chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ; đồng thời huy động các lực lượng để khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở.

Bao giờ thôi “chạy lở” ?

Nói cách ứng phó với sạt lở ở ĐBSCL, tiến sĩ Dương Văn Ni, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng cần phải có giải pháp căn cơ chứ không thể để người dân mãi “chạy lở”, họ cần an cư để lạc nghiệp. Riêng việc xây dựng các công trình ở bờ sông, bờ biển để ứng phó sạt lở cần tính toán kỹ về giá trị kinh tế.

“Nên có chương trình dài hạn, phải tái phân bố lại dân cư. Nếu không có chương trình dài hơi để tái bố trí lại dân cư thì đồng bằng vẫn đối diện mãi mãi với chuyện cứ hễ tới lúc nào đó sẽ thấy chỗ này sạt lở, chỗ kia sạt lở cả bờ sông và cả bờ biển. Vấn đề xây dựng công trình ở bờ sông hay là bờ biển tùy vào giá trị công trình đó và tùy vào mục tiêu chúng ta cần bảo vệ. Những nơi chúng ta thấy phần tiền bỏ ra ít hơn giá trị cần gìn giữ hay có khả năng mang lại thì phải mạnh dạn di chuyển đi nơi khác không nên cố giữ bằng mọi giá”, tiến sĩ Dương Văn Ni đề xuất.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, cho rằng: Cần tính toán kỹ trước khi đầu tư xây dựng các công trình để tránh lãng phí và gây ra những tác động không mong muốn. Vấn đề công trình cần phải suy nghĩ và làm rất cẩn thận, đặc biệt thời gian tới biến đổi khí hậu làm nước biển dâng rất nhanh. Đất của chúng ta đang lún thì có thể bị ngập nhanh. Phải có biện pháp đầu tư phù hợp, nếu không chúng ta bỏ tiền ra vô ích”.

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, trước diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, ĐBSCL không thể áp dụng chung các biện pháp công trình chống sạt lở cho tất cả vùng sạt lở nguy hiểm mà cần phải kết hợp nhiều giải pháp, bắt nguồn từ nguyên nhân gốc rễ, đó là giảm khai thác cát.

“Càng khai thác nhanh thì chúng ta càng thiếu cát. Chúng ta có thể nghĩ tới những biện pháp công trình. Nguyên nhân sạt lở là do thiếu phù sa và khi sạt lở là trượt nguyên cái cung rất sâu và khi chúng ta làm công trình sẽ rất đắt, không thấm vào đâu so với đồng bằng. Biện pháp công trình chỉ nghĩ đến những nơi quá xung yếu, những trung tâm đô thị, những trung tâm dân cư. Công trình có tuổi thọ, khi có sạt lở thì còn nguy hiểm hơn”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai 13 tỉnh, thành ĐBSCL, hiện có 555 vị trí sạt lở bờ sông. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang là những điểm nóng về sạt lở.

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

---------------------

Bài 2: Để an cư không mãi là… mơ ước

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>