5 năm thực thi Luật Hòa giải ở cơ sở: Thêm yêu thương, đoàn kết

07/06/2019 | 08:33 GMT+7

5 năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp, ngành liên quan ở tỉnh coi trọng, qua đó góp phần đưa Luật Hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào cuộc sống.

Các thành viên tổ hòa giải ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi  trao đổi trước khi hòa giải một vụ việc.

Gắn bó, tâm huyết

Hơn 10 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, bà Phạm Ngọc Hương, Trưởng ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy và các thành viên tổ hòa giải ấp đã giải quyết kịp thời nhiều tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương. 

Ở nông thôn, mâu thuẫn xuất phát có khi chỉ từ ranh đất, bất hòa chuyện tiền bạc trong gia đình, cả chuyện trẻ con chọc ghẹo nhau... Khi nhận đơn, bà Hương và các thành viên trong tổ dành thời gian xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách phân xử hợp lý.

Bà Hương phân tích: “Hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Làm việc này phải từ cái tâm, trách nhiệm thì mới “trụ” được vì rất dễ va chạm”.

Nhiều người làm công tác hòa giải ở cơ sở như bà Hương thừa nhận, ở vai trò trọng tài, việc phân xử đụng chạm đến quyền lợi các bên là điều không tránh khỏi, nên không ít lần họ bị lời ra tiếng vào. Nhưng rồi những vụ việc được giải quyết thành công, xóm ấp thuận hòa, anh em yên ấm đã khiến họ quên đi những vất vả, thị phi để tiếp tục đồng hành với công việc.

Ông Nguyễn Văn Công, thành viên tổ hòa giải ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “Bản thân tôi gắn bó với hoạt động hòa giải ở ấp gần 20 năm. Bà con mình ở nông thôn phần lớn nhận thức pháp luật còn hạn chế, vì vậy, nhiều trường hợp do không hiểu biết nên lớn tiếng với nhau, làm mất tình làng nghĩa xóm. Lúc này, rất cần những hòa giải viên như chúng tôi để hàn gắn lại”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hùm, thành viên Tổ hòa giải ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, để làm tốt nhiệm vụ hòa giải, bản thân ông và các hòa giải viên tại địa phương đều phải học tập, trau dồi kiến thức, đặc biệt là kiến thức pháp luật.

  1. nhiều vụ hòa giải, chúng tôi tự tích lũy kinh nghiệm thêm cho mình để có những phương pháp, cách thức hòa giải hiệu quả hơn”, ông Hùm chia sẻ.

Nâng chất hơn nữa

Hòa giải ở cơ sở không chỉ tăng tình đoàn kết trong cộng đồng mà còn ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự.

Xác định vai trò quan trọng trên, những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác chỉ đạo các cấp, ngành không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải.

Theo Sở Tư pháp, sau hơn 5 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (từ năm 2014-2019), toàn tỉnh tổ chức 90 đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên với khoảng 3.600 đối tượng tham gia. Sở còn biên soạn và phát hành 190.000 tờ gấp hỏi - đáp Luật Hòa giải ở cơ sở, sổ tay nghiệp vụ, sổ tay kỹ năng hòa giải ở cơ sở cấp phát cho các tổ hòa giải trên địa bàn.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đánh giá, qua 5 năm triển khai thi hành luật, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nhiệt huyết, cống hiến của đông đảo đội ngũ hòa giải viên. Việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả. 

Minh chứng từ thực tế cho thấy, số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực chính quyền địa phương trong giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Những mâu thuẫn nhỏ, những khúc mắc trong quan hệ gia đình, làng xóm được các hòa giải viên hóa giải, đem lại cuộc sống bình yên, ổn định và phát triển hơn.

Tuy nhiên, theo đánh giá, việc triển khai luật vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định. Đơn cử như một số cơ sở chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư. Kinh phí phục vụ cho công tác này chưa đáp ứng yêu cầu; chế độ đãi ngộ thấp nên chưa thu hút được nhiều thành viên, hội viên tham gia tích cực; trình độ năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ hòa giải viên còn nhiều hạn chế…

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian tới, rất cần cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định đúng vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải.

Cùng với đó là tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, để qua đó phát huy hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đến nay, toàn tỉnh củng cố, kiện toàn 543 tổ hòa giải với 3.366 hòa giải viên. Trong giai đoạn từ năm 2014-2018, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 9.797/10.301 vụ việc, đạt tỷ lệ hòa giải thành trung bình hàng năm trên 87%. Thông qua hoạt động hòa giải của các hòa giải viên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các bên tranh chấp, hóa giải các mâu thuẫn, xích mích, xây dựng niềm tin pháp luật của người dân trong cộng đồng, khu dân cư.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>