Bi kịch của một gia đình

31/08/2017 | 09:27 GMT+7

Từ mâu thuẫn nhỏ dẫn đến phát sinh ẩu đả, khiến hai anh em ruột người chết, kẻ phải đứng trước vành móng ngựa. Đây là bài học đau lòng cho sự nông nổi, chỉ vì phút nóng giận nhất thời mà để lại bao hệ lụy cho người thân và gia đình.

Phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thanh Vinh.

Vụ việc xảy ra vào ngày 29-1-2017, khi Huỳnh Thanh Vinh (sinh năm 1985), ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, trên đường từ chợ Cái Sơn (xã Phương Bình) về gần đến nhà thì gặp bà Nguyễn Thị Liên (mẹ ruột của Vinh) đang kêu Huỳnh Thanh Quang (sinh năm 1997, em ruột Vinh) về nhà nhưng Quang không về. Thấy Quang không nghe lời, Vinh đến la đồng thời dùng tay đánh trúng vào mặt Quang. Ngay lập tức, Quang xông vào đánh lại thì được người dân can ngăn, sau đó cả hai cùng về nhà.

Quang đến nhà trước nên đóng cửa hàng rào, Vinh về sau không vào được nên bực tức phá cửa và tiếp tục cự cãi với Quang. Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, trong lúc Quang bỏ vào phòng ngủ, Vinh lấy kéo dưới bếp bất ngờ đẩy mạnh cửa xông vào phòng rồi dùng kéo đâm vào ngực Quang. Lúc này, bà Liên và ông Huỳnh Văn Bé Tư (cha ruột Vinh và Quang) xông vào can ngăn thì Vinh ném kéo xuống đất, sau đó đến Công an xã Phương Bình đầu thú. Riêng Quang được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ để cấp cứu nhưng đã tử vong.

Tại phiên tòa, ngồi ở hàng ghế đầu, khuôn mặt của bà Liên hằn lên một nỗi đau khôn tả khi người phạm tội và nạn nhân đều do bà dứt ruột đẻ ra. Đôi mắt đăm chiêu của bà quay sang nhìn Vinh, rồi bà nghẹn ngào nói với Hội đồng xét xử: “Tôi mong hội đồng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tôi không muốn mất thêm một đứa con”.

Được biết, hoàn cảnh gia đình của Huỳnh Thanh Vinh rất khó khăn, bản thân bị cáo chỉ mới học hết lớp 2, có vợ và một con vừa tròn 7 tuổi. Chưa kể là trước đó vào năm 2004, Vinh bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, liệt nửa người và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

Ông Huỳnh Văn Bé Tư, cha của bị cáo buồn rầu nói: “Thằng Vinh trước giờ tính nó hiền lành, chưa gây hiềm khích với ai, nay chỉ vì một phút nông nổi mà nó lỡ tay giết chết em nó, gia đình tôi ai cũng đau lòng. Tôi chỉ có hai đứa con, giờ một đứa đã chết rồi, hy vọng tòa xem xét giảm nhẹ tội cho thằng Vinh để sau này tôi mất còn có người thờ cúng”.

Phía đại diện viện kiểm sát cũng đồng tình với những tình tiết xin giảm nhẹ mà gia đình và luật sư bị cáo đã nêu. Tuy nhiên, vị đại diện viện kiểm sát khẳng định: Hành vi của Vinh là đặc biệt nghiêm trọng bởi đã gây ra cái chết cho chính em trai mình, nên phải chịu mức án theo quy định. Mong Vinh sẽ cải tạo tốt để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, Huỳnh Thanh Vinh run rẩy thốt lên những lời xin lỗi gia đình. Bị cáo mong được sớm trở về làm lại cuộc đời, cùng vợ lo cho cha mẹ và con trai… Đó cũng là cách bị cáo hối lỗi với người em trai xấu số. Trong khi chờ nghị án, đứa con trai 7 tuổi của Vinh cứ khép nép đứng ngoài cửa nhìn cha, rồi hỏi khẽ mẹ mình: “Mẹ ơi sao cha ngồi đó có một mình vậy?”, nghe đến đây, nhiều người trong gia đình Vinh không cầm được nước mắt.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt Huỳnh Thanh Vinh mức án 7 năm tù giam. Đây là cái giá mà Vinh phải trả cho hành động nông nổi của mình. Bản án được tuyên, phiên tòa kết thúc, thế nhưng trong quãng đời còn lại, bản án lớn nhất mà Vinh phải đối mặt có lẽ chính là sự cắn rứt lương tâm khi đã lỡ tay sát hại người em ruột của mình.

Theo ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các vụ án giết hại người thân thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng do người trong cuộc không kiềm chế được hành vi nên dẫn đến những vụ việc đau lòng. Phần lớn trong các vụ án, hung thủ đã sử dụng rượu, bia hoặc thần kinh bị kích động thái quá. Khi xảy ra vụ việc, thân nhân nạn nhân cũng là người nhà bị cáo nên thường có đơn bãi nại xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, có một số vụ việc do tính chất côn đồ, nguy hiểm của bị cáo nên Hội đồng xét xử khó có thể xem xét yếu tố giảm nhẹ. Vì vậy, để hạn chế những vụ việc đau lòng, trước hết các thành viên trong gia đình cần bình tĩnh, cùng nhau giải quyết khi có mâu thuẫn xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần đề cao việc giáo dục pháp luật và nền tảng đạo đức gia đình nhằm phòng ngừa loại tội phạm này.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>