Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Cần thiết thông qua thời điểm này ?

18/11/2019 | 08:20 GMT+7

Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc việc có thật sự cần thiết thông qua dự thảo luật tại thời điểm kỳ họp này ?

Bà Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại Hội trường Quốc hội.

Một trong những lý do theo bà Nguyễn Thanh Thủy là chưa tổng kết và đánh giá tác động của việc sáp nhập 3 văn phòng, đó là văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND 12 tỉnh, thành từ tháng 12-2018 đến nay. Mặt khác, nếu được thông qua thì tới ngày 1-6-2021 mới có hiệu lực thi hành, đây tới đó chắc chắn còn nhiều phát sinh, thay đổi về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…

“Theo tôi, cần thận trọng rà soát đầy đủ các nội dung sửa đổi, bổ sung và cũng nên xin ý kiến ĐBQH về thời điểm thông qua để tránh sửa đổi nhiều lần, gây xáo trộn về tổ chức bộ máy của cơ quan lập pháp - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhân dân đã được Hiến định”, bà Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.

Về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban và các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách hoạt động tại các đoàn ĐBQH ở địa phương. Đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu tái cử và có chính sách để thu hút những đại biểu có năng lực, sức khỏe, trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết vào hoạt động Quốc hội.

“Chính sách thu hút này tôi đề nghị cũng nên có với đại biểu hoạt động chuyên trách ở HĐND các cấp. Như vậy chúng ta mới thật sự nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đại biểu dân cử từ Trung ương đến địa phương. Phát huy trí tuệ của mọi giai tầng trong xã hội vì Nhân dân phục vụ”, đại biểu Thủy nêu ý kiến.

Thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, một số đại biểu kiến nghị tỷ lệ ĐBQH chuyên trách nâng lên khoảng 40% để từng bước tiến tới hoạt động Quốc hội chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Thảo luận về kinh phí và chế độ chính sách bảo đảm hoạt động cho đoàn và ĐBQH, đa số thống nhất giữ nguyên như hiện hành và thực hiện theo đúng Luật Ngân sách, nếu giao cho ngân sách địa phương đảm bảo cơ sở vật chất các đoàn ĐBQH, đảm bảo kinh phí hoạt động thì rất khó.

“Tôi thấy đối với những địa phương bảo đảm được cân đối ngân sách, không phải hỗ trợ từ Trung ương thì dễ rồi, nhưng đại bộ phận thì ngân sách của địa phương rất khó khăn, bây giờ phải gánh thêm cơ sở vật chất cho đoàn, kinh phí hoạt động của ĐBQH thì hết sức bất cập”, bà Nguyễn Thanh Thủy nêu quan điểm.

Nói thêm về kinh phí, đại biểu Thủy thông tin, giao về cho địa phương, phân bổ kinh phí còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa đoàn ĐBQH và chính quyền địa phương, đoàn nào quan hệ tốt hay ngân sách ở đó dồi dào thì có thể hỗ trợ nhiều và ngược lại… Do vậy rất khó, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, chất lượng giám sát tại địa phương…

Thống nhất với nhiều đại biểu về số lượng ĐBQH giữ nguyên là 500 như dự thảo, bà Nguyễn Thanh Thủy cho biết, trên cơ sở đó nên phân bổ đại biểu ứng cử về địa phương cho hài hòa; có thể giảm số đại biểu ứng cử ở đoàn này, tăng cho đoàn khác, tăng đại biểu chuyên trách ở các ủy ban của Quốc hội…

T.THỨC - H.NGHỊ ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>