Chuyển biến và bất cập trong cấp phiếu lý lịch tư pháp

08/09/2020 | 07:49 GMT+7

Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là giấy tờ pháp lý quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu chứng minh về nhân thân của cá nhân hay tổ chức... Những năm qua, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Công dân đến làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Theo Sở Tư pháp, giai đoạn từ năm 2010-2019, Sở Tư pháp tiếp nhận và giải quyết 31.763 trường hợp yêu cầu cấp phiếu LLTP của công dân. Bên cạnh đó, đơn vị đã tiếp nhận trên 35.428 thông tin LLTP do các cơ quan tòa án, công an, Trung tâm LLTP quốc gia và các sở tư pháp ngoài tỉnh cung cấp.

Bà Trần Phượng Quyên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, hiện nay nhiều đơn vị sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức… yêu cầu phải có LLTP vì họ cần biết quá khứ của người đó có hay không có án tích, thậm chí có bao nhiêu án tích, hoặc được xóa án tích chưa; có bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc thành lập, quản lý doanh nghiệp hay không. Tuy nhiên, luật cũng không bắt buộc cấp phiếu LLTP cho tất cả công dân mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu.

Được biết, thực hiện Quyết định số 19/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến, tỉnh đã triển khai cấp phiếu LLTP qua đường bưu điện, trực tuyến tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp phiếu. Từ khi triển khai thực hiện đã có trên 1.200 lượt hồ sơ đăng ký cấp phiếu LLTP qua dịch vụ công trực tuyến và bưu chính.

Cùng với việc triển khai nhận và trả kết quả LLTP qua đường bưu điện, để rút ngắn quá trình giải quyết hồ sơ, hạn chế được tình trạng hồ sơ trễ hẹn, từ tháng 9-2015, Sở Tư pháp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm LLTP Quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Bộ Công an triển khai giải pháp “kiềng 3 chân” trong việc cấp phiếu LLTP cho công dân.

Theo đó, trong một số trường hợp quy định, thay vì chuyển đến Công an tỉnh xác minh, tra cứu, Sở Tư pháp sẽ chuyển trực tiếp hồ sơ tư pháp ra Bộ Công an và Trung tâm LLTP Quốc gia để xác minh rồi chuyển kết quả cho sở. Giải pháp này áp dụng với các trường hợp người được cấp phiếu LLTP đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố, công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài… với tất cả các bước chuyển hồ sơ đều được thực hiện thông qua hệ thống internet nên nhanh và thuận tiện.

Mặc dù khẳng định việc cấp phiếu LLTP đã thực sự mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng theo Sở Tư pháp, thủ tục cấp phiếu, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu theo quy định còn bất cập, chưa thuận tiện.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 4, Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì thực hiện cấp phiếu LLTP xác nhận không có tiền án nếu có đủ điều kiện xóa án tích.

Với quy định trên, hiện số lượng yêu cầu cấp phiếu LLTP để thực hiện xóa án tích ngày càng tăng trong khi để xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích lại rất phức tạp và mất nhiều thời gian (phải gửi xác minh thông tin đến nhiều cơ quan, không những trong tỉnh mà nhiều trường hợp phải gửi xác minh cả cơ quan ngoài tỉnh). Do vậy, Sở Tư pháp đang gặp khó khăn đó là không đảm bảo thời gian và nhân lực để thực hiện thủ tục hành chính này.

“Hiện thời gian giải quyết thủ tục cấp phiếu LLTP cho công dân theo quy định tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế việc phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp phiếu LLTP của Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan gặp một số khó khăn, làm phát sinh thời gian xác minh tại nhiều cơ quan, dẫn đến việc trả kết quả cho công dân bị chậm trễ so với quy định”, bà Trần Phượng Quyên cho biết.

Để giảm thiểu khó khăn cho người dân khi yêu cầu cấp phiếu LLTP, theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian tới cần sửa đổi một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 vì hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật liên quan như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự...

“Về phía sở, sẽ tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế về trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ... qua đó góp phần giải quyết các yêu cầu của công dân nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn theo quy định”, ông Nguyễn Văn Quân nói thêm.

Theo Điều 2, Luật Lý lịch tư pháp: Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản…           

Hiện nay, có 2 loại phiếu LLTP, trong đó, phiếu LLTP số 1 ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; phiếu số 2 thể hiện cả những án tích như tội danh, điều khoản áp dụng, hình phạt, thời gian tuyên án, thi hành án đã được xóa bỏ; chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân.

 

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>