Góp nhiều ý kiến dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự thảo Luật Thủy lợi

13/06/2017 | 07:52 GMT+7

Góp ý 2 dự thảo trên tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Phạm Hồng Phong, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang; thiếu tướng Phạm Thành Tâm, Phó Tư lệnh Quân khu 9, cho biết một số điều trong dự thảo chưa phù hợp cần điều chỉnh.

Thiếu tướng Phạm Thành Tâm phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Theo đại biểu Phạm Hồng Phong, Điều 7 của dự thảo về Quyền thu giữ tài sản bảo đảm, nghĩa là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Nguyên tắc này trái với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”, và không đúng với Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao tài sản bảo đảm để xử lý.

Đại biểu Phạm Hồng Phong nói, Bộ luật Dân sự năm 2015 sử dụng cụm từ “giao tài sản để xử lý” mà không sử dụng cụm từ “thu giữ tài sản bảo đảm”, bởi lẽ hợp đồng tín dụng trong đó có giao dịch bảo đảm là quan hệ dân sự được xác lập trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận giữa các bên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên. Do đó, giao quyền thu giữ tài sản là biện pháp hành chính được giao cho tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu, hiển nhiên trở thành cơ quan công an, cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan tòa án và thi hành án.

Cốt lõi của nghị quyết này là làm sao xử lý tài sản bảo đảm để giải quyết nợ xấu một cách nhanh chóng, có hiệu quả, đúng pháp luật nên ông Phong đề xuất: Thực trạng hợp đồng bảo đảm (thế chấp) phần lớn chỉ có cụm từ “…Bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ…”, nếu Quốc hội xem đây là hợp đồng ủy quyền nên quy định trong nghị quyết thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền chuyển nhượng cho người khác thông qua đấu giá công khai không cần thu giữ tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, bên nhận tài sản bảo đảm bán tài sản bảo đảm phải thông báo đầy đủ thông tin một cách trung thực ngay cả thông tin bên giữ tài sản bảo đảm chưa giao tài sản bảo đảm cho bên nhận tài sản bảo đảm.

Tài sản bảo đảm đã được chuyển nhượng cho người thứ ba, tổ chức tín dụng thu được tiền có nghĩa là đã giải quyết được nợ xấu, còn đối với người thứ ba mua tài sản bảo đảm sẽ đăng ký quyền sở hữu hay quyền sử dụng mang tên mình. Trường hợp bên giữ tài sản bảo đảm trước đây không giao tài sản cho chủ sở hữu, chủ sử dụng mới thì tùy theo các hành vi của người không giao tài sản mà xử lý theo pháp luật, trong đó có cả trường hợp bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, khi giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015…

Còn thiếu tướng Phạm Thành Tâm cho biết, một số vấn đề dự thảo Luật Thủy lợi trùng lắp, không thống nhất với Luật Tài nguyên nước.

Đề nghị xem xét lại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 và điểm d khoản 2 Điều 28 dự thảo luật vì trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm ban hành các lệnh vận hành, điều tiết các hồ trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán (giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ tịch UBND cấp tỉnh, trưởng ban phòng, chống lụt bão). Trên thực tế, việc vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua đã đảm bảo sự phối hợp tốt giữa các ngành, phát huy được hiệu quả trong công tác phòng, chống, cắt giảm lũ và cấp nước cho hạ du các lưu vực sông. Do vậy, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 và điểm d khoản 2 Điều 28 dự thảo luật quy định “Trường hợp xảy ra lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thực hiện theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thủy lợi và phòng, chống thiên tai” là chưa thống nhất, chưa đồng bộ.

Về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có phép (Điều 46), đề nghị bỏ điểm c khoản 1 quy định về cấp giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi”, lý do: Xả nước thải vào công trình thủy lợi không liên quan đến việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi quy định tại chương này. Toàn bộ nước thải từ hệ thống công trình thủy lợi lại chảy ra các sông, suối và không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào khác. Việc bảo đảm chất lượng nước cho các mục đích sử dụng nước nói riêng, bảo vệ tài nguyên nước nói chung đã được quy định cụ thể tại Luật Tài nguyên nước (từ Điều 25 đến Điều 38). Việc kiểm soát nước thải nói riêng, quản lý chất thải nói chung cũng đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (từ Điều 85 đến Điều 103). Các luật nêu trên đều giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm cấp phép, quản lý, giám sát các hoạt động xả nước thải nhằm bảo vệ chất lượng các nguồn nước, bao gồm cả nước cấp cho hệ thống thủy lợi, cho các mục đích nông nghiệp và thủy sản…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>