Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8

01/08/2019 | 08:11 GMT+7

Từ tháng 8, nhiều chính sách mới liên quan đến doanh nghiệp, chế độ lao động, tiền lương, phụ cấp hay quy định trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng... sẽ chính thức có hiệu lực.

Từ ngày 1-8-2019, phạm nhân cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản giá trị 50 triệu đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn có thể được xem xét đặc xá.

Phải nộp lại “quà tặng” vào ngân sách nhà nước

Từ 15-8, Nghị định số 59/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu lực.

Nghị định 59 điều chỉnh về trách nhiệm giải trình; đánh giá công tác chống tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích… Đáng chú ý, nghị định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân có chức vụ quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng phải từ chối, đồng thời báo cáo bằng văn bản về người, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà, giá trị quà tặng; hoàn cảnh cụ thể khi được tặng quà…

Với quà tặng bằng tiền hoặc vật có thể bán, quy ra tiền, chủ thể nhận quà phải nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp quà tặng là sinh vật hoặc thực phẩm tươi sống, chủ thể được nhận phải căn cứ tình hình và quy định về xử lý tang vật trong vi phạm hành chính để xử lý.

Bổ sung thêm điều kiện được đặc xá

Theo Nghị định số 52/2019 vừa được Chính phủ ban hành, điều kiện được đề nghị đặc xá gồm người bị kết án có nhiều tiến bộ, cải tạo tốt; đã hoàn thành nghĩa vụ dân sự trong vụ án hoặc chưa thi hành nghĩa vụ dân sự nhưng chỉ còn ít tài sản, thu nhập đảm bảo cuộc sống tối thiểu…

Ngoài ra, người bị kết án nhưng lập công lớn trong thời gian chờ đưa “vào tù” hoặc đang chấp hành án phạt tù cũng có thể gửi đơn xin đặc xá. Lập công lớn có thể hiểu gồm có hành động giúp phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản giá trị 50 triệu đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn; có phát minh, sáng kiến giá trị lớn…

Những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên đau ốm mà không tự phục vụ được bản thân; người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình… cũng thuộc đối tượng được đặc xá.

Thêm 3 trường hợp được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh

Theo Thông tư 09/2019 vừa được Bộ Y tế ban hành về việc hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám, chữa bệnh BHYT, từ ngày 1-8 sẽ có thêm 3 trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Đó là: Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả kinh phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin về thẻ BHYT; người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) của cán bộ xã tăng 7,19%

Thông tư 09 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Theo quy định tại văn bản này, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc sẽ tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng.

Công thức tính mức trợ cấp hàng tháng từ 1-7 sẽ là mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6-2019 x 1,0719.

Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc, nguyên là bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã sẽ là hơn 2,1 triệu đồng/tháng. Đối với cán bộ nguyên là phó bí thư, phó chủ tịch, thường trực đảng ủy, ủy viên thư ký UBND, thư ký HĐND xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã… là hơn 2 triệu đồng/tháng. Các chức danh còn lại hưởng mức hơn 1,8 triệu đồng/tháng.

Phạt đến 3 triệu đồng nếu ép khách du lịch mua hàng

Nghị định 45/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 8. Cụ thể, theo nghị định này, đối với cơ sở lưu trú du lịch không niêm yết công khai giá hàng hóa bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Đặc biệt nếu có hành vi bán hàng hóa không đúng giá niêm yết bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Bên cạnh việc phạt tiền, cơ sở lưu trú du lịch vi phạm bị đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Với hành vi tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa dịch vụ bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Đối với hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn viên khi hành nghề hoặc sử dụng thẻ giả, mức phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.

Các mức phạt nêu trên sẽ gấp 2 lần nếu do tổ chức thực hiện.

Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật

Nghị định 55 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo từng mức tương ứng với quy mô hoạt động.

Theo đó, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm. Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 5 triệu đồng/năm. Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm…

Kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm, dựa trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

 

Đ.BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>