Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “Tín dụng đen”

29/08/2019 | 07:26 GMT+7

UBND tỉnh cho biết đã đề ra kế hoạch giải quyết một cách cơ bản tình trạng “Tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; kiên quyết không để phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.

Một quảng cáo nghi “Tín dụng đen” ở thành phố Vị Thanh  (ảnh chụp ngày 25-8-2019).

Theo đó, yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh xử lý với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”.

Triển khai các giải pháp phòng ngừa phải được tiến hành đồng bộ, thường xuyên, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương; đấu tranh, xử lý phải kiên quyết, nghiêm minh, đúng quy định.

Công an tỉnh làm chủ công

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu Công an tỉnh phải phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “Tín dụng đen” bằng nhiều hình thức.

Cụ thể là tăng cường biên soạn, đăng tải tin, bài, phóng sự thông qua các kênh phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, các trang mạng xã hội; phát tờ rơi, treo băng rôn; lồng ghép tuyên truyền thông qua các cuộc họp, hội nghị; tổ chức các buổi diễn đàn, tọa đàm chuyên đề; các cuộc thi với hình thức sân khấu hóa; vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động có liên quan “Tín dụng đen”, nhất là lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính để cho vay lãi nặng.

Công an tỉnh cũng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chặt tình hình, rà soát lên danh sách các băng, nhóm, đối tượng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay, cầm cố, thuê tài sản liên quan hoạt động “Tín dụng đen” như cho vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ; các điểm giao dịch, trụ sở hoạt động, lưu trú (khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ mà các đối tượng hoạt động “Tín dụng đen” đang lưu trú). Từ đó có kế hoạch quản lý, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá, không để chúng tiếp tục tồn tại, phát triển, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.

Phải mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi; triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động…

Công an tỉnh làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính đối với các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm. Siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

UBND tỉnh cho biết, ngoài Công an tỉnh, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định liên quan về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn với lãi suất cao, vỡ hụi và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Phối hợp chặt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen”.

Giải quyết kịp thời về vốn cho dân

Góp phần đẩy lùi “Tín dụng đen”, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang (ngân hàng) cần chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan về các chương trình, chính sách vay vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho Nhân dân trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “Tín dụng đen”.

Đồng thời, ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Ngành ngân hàng phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng có lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh yêu cầu.

Ngân hàng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật; cảnh báo sớm các rủi ro, kịp thời phát hiện tồn tại, sai phạm trong các tổ chức tín dụng và đưa ra kiến nghị khắc phục, sửa chữa hoặc xử lý vi phạm (nếu có), chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm. Chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai, quán triệt cho cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “Tín dụng đen”.

Ngân hàng cũng phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội hướng dẫn các Quỹ các hội, các chương trình tài chính vi mô đăng ký hoạt động theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017; phối hợp triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các tồn tại, sai phạm và đưa ra kiến nghị xử lý; kịp thời đánh giá tình hình, tham mưu các giải pháp xử lý, hỗ trợ xử lý hoạt động “Tín dụng đen” trên địa bàn nếu phát sinh phức tạp...

K.L tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>