Thi hành án dân sự: Nỗ lực vượt khó

02/04/2019 | 07:25 GMT+7

Số vụ việc mà các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh thụ lý, giải quyết ngày càng tăng cả về số lượng, tính phức tạp. Song, với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, chấp hành viên, công tác này trên địa bàn những tháng đầu năm đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tập huấn nghiệp vụ trực tuyến tại Cục THADS.

Kết quả tích cực

Ông Sơn Duy Oai, Cục trưởng Cục THADS, cho biết, những tháng đầu năm 2019, ngành đạt nhiều kết quả vượt bậc so cùng kỳ. Cụ thể như tỷ lệ phân loại án có điều kiện thi hành trên tổng số việc đạt trên 68%, trong đó, số việc đã thi hành xong đạt 37,15% (tăng 0,6%); số thi hành xong về tiền đạt trên 31% (tăng hơn 23% so cùng kỳ)…  

Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, Cục THADS tỉnh đã mạnh dạn sắp xếp, bố trí, phân công lại cán bộ lãnh đạo và chấp hành viên ở các đơn vị. Đồng thời, xây dựng, dần hoàn thiện quy chế làm việc theo hướng gắn trách nhiệm với từng cán bộ, chấp hành viên, giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ THADS năm cho từng chấp hành viên.

Theo Cục THADS, thời gian qua, công tác này có rất nhiều khó khăn, phức tạp, không riêng gì Hậu Giang mà các địa phương khác cũng vậy.

Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cơ quan THADS đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là ban chỉ đạo THADS các cấp; áp dụng nhiều giải pháp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Đồng thời, xác định địa bàn trọng điểm về thi hành án để quan tâm đầu tư, chỉ đạo gắn với triển khai các đợt cao điểm.

Còn theo ông Hồ Thanh Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Phụng Hiệp, ngay từ khi bắt đầu năm công tác, cụ thể hóa chỉ đạo của cục, đơn vị đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác.

“Trong đó, chúng tôi chủ động phân công từng chấp hành viên bám sát địa bàn và gắn trách nhiệm của chấp hành viên với địa bàn được giao, đồng thời nếu có những vụ việc phức tạp, giá trị lớn, khó thi hành thì xin ý kiến ngay với Ban Chỉ đạo THADS huyện và Cục THADS để giải quyết vụ việc đó, không để kéo dài”, ông Minh cho biết.

Đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng với số tiền phải thi hành án lớn, Cục THADS đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh để xác định rõ trách nhiệm của các bên và thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành các bản án.

Quan tâm gỡ khó

Nhiều người vẫn nghĩ, khi một bản án có hiệu lực thì cơ quan THADS chỉ cần căn cứ vào quyết định đó mà thực hiện là xong. Nhưng thực tế không hề đơn giản, bởi công tác thi hành án lúc đó không còn phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan Nhà nước mà phụ thuộc vào việc đương sự có khả năng thi hành án hay không?...

Chẳng hạn, phần lớn các án phí, án phạt có liên quan đến tội phạm hình sự chiếm 30% tổng số tiền mà ngành thụ lý là gần như không có khả năng thi hành. Nguyên nhân là do đối tượng phải thi hành án đang bị phạt tù giam, không có tài sản… Nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài do đương sự cố tình dây dưa, chống đối không chịu thi hành.

Bên cạnh đó, trong thực tế, công tác THADS không chỉ gặp vướng mắc từ phía đương sự mà còn vấp phải những khó khăn bởi sự thiếu thống nhất hoặc sai sót trong quá trình giải quyết của cơ quan liên quan. Chẳng hạn, một bản án tuyên không rõ ràng, sửa hoặc hủy án để xét xử lại sau khi tài sản đã hoặc đi vào giai đoạn thi hành cũng khiến cơ quan THADS… đau đầu.

Đơn cử như tại Bản án dân sự phúc thẩm số 103, năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh tuyên xử: Buộc ông Đỗ Văn Đà, ở huyện Vị Thủy, có trách nhiệm tháo dỡ, di dời vật kiến trúc trên phần đất công nhận cho bà Phan Thị Tròn, cùng ở huyện này.

Theo bản án, ông Đà giao cho bà Tròn phần đất diện tích 17,17m2 và có trách nhiệm tháo dỡ, di dời vật kiến trúc trên phần diện tích đất công nhận cho bà Tròn; bà Tròn có nghĩa vụ giao trả cho ông Đà phần giá trị lối đi trên 1,8 triệu đồng... Tuy nhiên, khi chấp hành viên tiến hành xác minh thực địa thì phần đất mở lối đi cho bà Tròn là căn nhà phụ của ông Đà, nếu tháo dỡ, di dời một phần căn nhà phụ theo như bản án sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ căn nhà này.

Sau đó, Chi cục THADS huyện Vị Thủy yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh giải thích bản án, tuy nhiên, công văn giải thích của tòa cũng chưa cụ thể, rõ ràng; các bên đương sự lại không thỏa thuận được việc thi hành án nên chi cục không tổ chức thi hành được.

Hay như vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Number One, tại huyện Châu Thành phải thi hành án với giá trị hơn 7 tỉ đồng, bao gồm trả tiền nợ vật tư và công lao động cho công nhân tại Khu công nghiệp Sông Hậu. Nhưng khi cơ quan thi hành án xác minh thì công ty này không có trụ sở và không có bất kỳ tài sản nào tại địa phương để thi hành án, khiến cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Đó chỉ là một trong những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài nhiều năm chưa thể thi hành được, khiến án tồn đọng. Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Sơn Duy Oai, với những trường hợp này, đơn vị đã báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND cũng như Tổng Cục THADS nhằm tìm giải pháp sớm tháo gỡ, để qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này thời gian tới.

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>