Thực hiện Luật Thanh tra: Nhiều ưu điểm nhưng cần hoàn thiện hơn

07/06/2017 | 08:00 GMT+7

Luật Thanh tra năm 2010 là nền tảng pháp lý trong hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quá trình áp dụng luật đến nay đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế.

Lãnh đạo Thanh tra huyện Châu Thành cùng các chuyên viên trao đổi nghiệp vụ thanh tra.

Tại huyện Châu Thành, từ năm 2010 đến ngày 30-6-2017, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện được 40 cuộc thanh tra trên một số lĩnh vực trong việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; công tác phòng, chống tham nhũng và thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Qua đó, phát hiện sai phạm về kinh tế trên 380 triệu đồng, 6 tổ chức sai phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật về đảng 1 trường hợp; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 23 trường hợp.

Về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước đối với cấp huyện được quy định trong Luật Thanh tra rất cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức bộ máy, vì theo Nghị định 86 ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra thì thanh tra cấp huyện được tổ chức gồm 1 chánh thanh tra và tối đa không quá 2 phó chánh thanh tra nhưng chưa quy định số lượng biên chế công chức, viên chức cần thiết để trực tiếp giải quyết các công việc chuyên môn.

Theo ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thời gian qua, Thanh tra huyện đã làm tốt vai trò của mình trong việc tham mưu cho UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhất là trong công tác thanh tra, giúp cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra trong công tác quản lý. Nhờ đó, hạn chế được hậu quả xảy ra và quan trọng nhất là ổn định tình hình chính trị cơ sở, xây dựng niềm tin cho quần chúng nhân dân vào thể chế nhà nước.

Bên cạnh việc tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động chuyên môn của cơ quan thanh tra đến nay vẫn đảm bảo tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, kể cả những vụ việc phát sinh ngoài kế hoạch. Hàng năm, đơn vị được đánh giá là hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của ngành, nghị quyết của địa phương đề ra. Hoạt động thanh tra đã giúp chấn chỉnh được những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành tại các đơn vị; hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo bên cạnh việc tham mưu kịp thời, giải quyết dứt điểm các đơn thư còn giúp khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân; hoạt động phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều tiến bộ nhất là về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng xảy ra.

Đối với huyện Phụng Hiệp, công tác tuyên truyền luật được phổ biến rộng rãi, cụ thể: Sau khi luật được ban hành, UBND huyện đã tổ chức hội nghị để quán triệt trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức và ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trực thuộc tổ chức triển khai theo từng đơn vị và triển khai đến tận người dân. Quá trình thực hiện Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thể hiện những năm gần đây các cuộc thanh tra được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, kết thúc đúng tiến độ, hoàn thành 100% kế hoạch phê duyệt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kết luận thanh tra có nội dung cụ thể, rõ ràng, thuyết phục, các kiến nghị biện pháp xử lý được tổ chức thực hiện đạt 100%. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện luật cũng bộc lộ những bất cập như hoạt động theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra và thanh tra lại...   

Theo lãnh đạo Thanh tra huyện Phụng Hiệp, trong hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, các cuộc thanh tra được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo quy trình quy định. Việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện thông qua hình thức công bố trực tiếp cho đối tượng thanh tra và niêm yết tại trụ sở đơn vị của đối tượng thanh tra đúng theo Luật Thanh tra năm 2010, không có bất cập gì. Tuy việc phát hiện, xử lý sai phạm thông qua công tác thanh tra bước đầu có những chuyển biến tích cực, nhưng kết quả xử lý sau thanh tra vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Ông Phạm Chí Cường, Phó Chánh Thanh tra huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Vì pháp luật chưa có quy định chế tài mang tính cưỡng chế, bắt buộc dẫn đến việc thực hiện kết luận thanh tra chưa nghiêm túc, nhất là trong việc thu hồi các khoản tiền sai phạm nộp ngân sách Nhà nước còn thiếu các biện pháp hữu hiệu; các chế tài cụ thể để buộc đối tượng phải thực hiện như trường hợp đối tượng thanh tra không thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ, nghiêm túc, kéo dài thời gian thì xử lý như thế nào và mức độ xử lý ra sao? Do đó, pháp luật cần có những quy định mang tính cưỡng chế, bắt buộc áp dụng trong công tác xử lý sau thanh tra”.

Về tổ chức, ông Dương Tòng Huân, Phó Chánh Thanh tra huyện Châu Thành, phân tích: “Kiến nghị khi sửa đổi luật cần bổ sung quy định cụ thể về số lượng biên chế cho từng cấp. Cũng cần bổ sung quy định chi tiết về thực hiện luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan thanh tra cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ. Có thể kiện toàn và tổ chức thanh tra cấp tỉnh vừa thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo hướng tập trung và thống nhất trên cơ sở sáp nhập thanh tra tỉnh, thanh tra huyện và thanh tra cấp sở”.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>