Vướng mắc trong thực hiện Luật Quốc tịch

01/09/2017 | 07:59 GMT+7

Luật Quốc tịch ra đời tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc tịch ở địa phương, tuy nhiên, quá trình thực hiện còn những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.

Bé Tay Yoke Cheng về Việt Nam ở với bà ngoại từ năm 2013 đến nay.

Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con...”. Quy định này được hiểu là trẻ em sinh ra sẽ có quốc tịch Việt Nam khi đáp ứng 2 điều kiện là có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài và có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con.

Chị Phan Ngọc Lệ, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Châu Thành, cho biết Luật Quốc tịch năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 chưa quy định rõ thời điểm đăng ký khai sinh nên có hai cách hiểu khác nhau. Thứ nhất, thời điểm đăng ký khai sinh phải được xác định là “lần đầu và duy nhất” đối với một đứa trẻ sau khi sinh ra. Theo đó, với những trẻ em đã được đăng ký khai sinh lần đầu tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cha mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì trẻ có quốc tịch Việt Nam, trẻ có thể có thêm quốc tịch nước ngoài (hai quốc tịch) khi khai nhận quốc tịch tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định pháp luật quốc tịch của nước mà người cha hoặc người mẹ là công dân nếu pháp luật nước đó không quy định nguyên tắc một quốc tịch; với những trẻ em đã đăng ký khai sinh lần đầu tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trẻ đã có quốc tịch nước ngoài thì để bảo đảm nguyên tắc “một quốc tịch” theo quy định của Luật Quốc tịch, trẻ sẽ không được đăng ký khai sinh lần 2 tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để trẻ có thêm quốc tịch Việt Nam mặc dù cha mẹ thể hiện nguyện vọng muốn lựa chọn thêm quốc tịch Việt Nam cho con. Trường hợp này, trẻ em chỉ có thể có quốc tịch Việt Nam thông qua việc xin nhập quốc tịch Việt Nam và phải thôi quốc tịch nước ngoài. Đó là điều mà nhiều cha mẹ của trẻ không mong muốn.

Chị Lệ cũng nói đến cách hiểu thứ hai là Luật Quốc tịch chỉ quy định về nguyên tắc quốc tịch, còn vấn đề đăng ký khai sinh thì phải tuân theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Trong khi đó, Luật Hộ tịch cũng chỉ quy định: Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của luật này.

Như vậy, với những trẻ em đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài là theo pháp luật quốc tịch của nước ngoài; việc cha, mẹ của trẻ tiếp tục làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và chọn quốc tịch Việt Nam cho trẻ theo pháp luật quốc tịch của Việt Nam là không trái với Luật Quốc tịch và Luật Hộ tịch hiện hành.

Với cách hiểu này thì mặc dù trẻ đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài vẫn có quyền đăng ký khai sinh (hoặc ghi chú giấy khai sinh) tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và trẻ có quốc tịch Việt Nam.

Đối với huyện Vị Thủy, quá trình áp dụng, thực hiện luật cũng gặp khó khăn như: Số người từ nước ngoài trở về địa phương sinh sống dưới 20 năm nhưng không thể chứng minh có quốc tịch Việt Nam của bản thân, của cha, mẹ, anh, chị, em ruột; một số trẻ em có cha, mẹ đi làm ăn, sinh sống thời gian dài ở nước ngoài hoặc sinh ra tại nước ngoài sau đó đưa về Việt Nam sinh sống với ông, bà mà không có giấy tờ gì của đứa trẻ cũng như của cha, mẹ trẻ, nhưng ông bà của trẻ xin được đăng ký khai sinh cho trẻ gây khó khăn cho địa phương hiện chưa giải quyết được.

Hiện nay, trường hợp trẻ em là con lai giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài sau khi về Việt Nam sinh sống lâu dài với người thân, lúc về Việt Nam, trẻ em đã có giấy khai sinh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, do đó việc giải quyết cư trú, học tập rất khó khăn. Đây là thực trạng chung chứ không riêng gì ở huyện Vị Thủy.

Điển hình như trường hợp chị Dương Thị Kim Ngân, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, kết hôn với ông Tay Kim Yow (quốc tịch Malaysia) năm 2009, sau đó chị theo chồng sinh sống. Đến năm 2011, chị sinh bé Tay Yoke Cheng, làm giấy khai sinh cho bé ở nước ngoài và mang quốc tịch Malaysia. Đến năm 2013, mẹ con chị Ngân về nước. Năm học 2017-2018, bé vào học lớp 1 nhưng giấy tờ, thủ tục cho bé gặp khá khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương, ngoại của bé, kể: “Từ khi mẹ con nó về nước đến nay không còn liên lạc gì với bên chồng và hiện nay hộ chiếu, visa cũng hết hạn nên không thể tạm trú hay nhập khẩu vào hộ của tôi được. Cháu mang quốc tịch nước ngoài, đi học quyền lợi cũng khác hơn trẻ ở Việt Nam, phải đóng nhiều khoản tiền hơn’’.

Theo quy định thì mẹ của bé phải liên hệ Cục Xuất nhập cảnh để được hướng dẫn làm thủ tục yêu cầu chuyển quốc tịch của trẻ mang quốc tịch Việt Nam thì đứa trẻ đó mới đăng ký thường trú tại Việt Nam.              

Về vấn đề này, ông Tống Huy Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, kiến nghị Bộ Tư pháp cần hướng dẫn cụ thể việc đăng ký khai sinh đối với trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, khi về Việt Nam họ đã có khai sinh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp thì giải quyết như thế nào để cho trẻ em này có điều kiện học tập, sinh sống lâu dài với người thân.

Bài, ảnh: PHI YẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>