Người phụ nữ tự nguyện xin trả lại sổ hộ nghèo dù vẫn... còn nghèo !

04/09/2024 | 06:03 GMT+7

Chị Nguyễn Cẩm Tiên, ở khu vực 6, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, quyết tâm xin trả sổ hộ nghèo, thể hiện sự nỗ lực vươn lên, ý thức trong việc sẻ chia, hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình.

Chị Tiên chuẩn bị chuồng để khi được hỗ trợ heo giống sẽ nuôi ngay.

Gia đình không có ruộng vườn, hàng ngày chồng chị Tiên đi làm bốc vác, còn chị đi chở trái cây, rau củ thuê cho vựa, kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Cách đây 2 năm, qua chấm điểm các tiêu chí theo quy định, gia đình chị rơi vào hộ nghèo.

Cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị cật lực lao động, ngoài đi chở thuê, tận dụng diện tích ít đất xung quanh nhà, chị trồng một số rau để bán hàng ngày, hy vọng có thêm kinh phí để lo cuộc sống. Dẫu còn túng thiếu nhưng vào cuối năm 2023 chị tự nguyện xin trả lại sổ hộ nghèo, dù theo các tiêu chí quy định của chuẩn nghèo đa chiều gia đình chị vẫn thuộc hộ nghèo.

Thấy chị làm vậy, không ít người nói chị “sĩ diện”, thế nhưng đối với chị Tiên, việc làm đó rất ý nghĩa, bởi thời gian qua, gia đình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con lối xóm.

Chị Tiên chia sẻ: “Nếu xin thoát nghèo sẽ mất nhiều chế độ ưu đãi cho hộ nghèo, nhưng mình còn trẻ, còn sức khỏe có thể đi làm thuê để kiếm tiền, không thể cứ ỷ lại hay trông chờ mãi vào Nhà nước được, phải quyết tâm vươn lên. Với lại, tôi thấy còn nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nhất là những người già, lớn tuổi không có sức để đi làm, mình nên nhường chế độ lại cho những hộ nghèo khác”.

Để giúp gia đình chị Tiên thoát nghèo bền vững, năm 2024 từ nguồn vốn Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình sẽ được hỗ trợ thực hiện dự án chăn nuôi heo nái sinh sản, với 4 con heo mẹ và thức ăn. Hiện dự án đang được cấp có thẩm quyền thẩm định.

Chị Tiên bày tỏ: “Được chính quyền địa phương cho hay gia đình sẽ được hỗ trợ dự án nuôi heo, tôi mừng lắm. Hiện nay, đã chuẩn bị xong chuồng trại. Khi được hỗ trợ con giống, gia đình sẽ chăm sóc cẩn thận, hy vọng dự án chăn nuôi này giúp kinh tế gia đình thêm phát triển. Cuối năm qua khi trả sổ thì có tiêu chí mình vẫn là hộ nghèo nhưng đến nay hầu như các tiêu chí đó tôi thấy đều vượt qua hết rồi”.

Chuyện người dân tự nguyện xin thoát nghèo, cận nghèo không còn là chuyện hiếm hoi. Đó là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc giảm nghèo cùng những cách làm hiệu quả trong công tác chỉ đạo, sâu sát của các cấp chính quyền cơ sở.

Bà Đặng Minh Phượng, công chức Văn hóa - Xã hội UBND phường Lái Hiếu, cho biết: “Trong thực hiện công tác giảm nghèo, trước hết địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hộ nghèo. Bởi khi người dân thay đổi cách nghĩ sẽ chủ động vươn lên, tận dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, luôn cố gắng lao động, tìm cách làm phù hợp để phát triển kinh tế, tránh được tư tưởng cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Cẩm Tiên”.

Không riêng gì phường Lái Hiếu, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, hành động  của “người trong cuộc”. Tuyên truyền về các chủ trương, chính sách giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo.

Qua đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong mỗi người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thành phố Ngã Bảy hiện có 187 hộ nghèo và 418 hộ cận nghèo.

Thổi “luồng gió mới”, tạo động lực để những hộ nghèo còn lại càng quyết tâm

Ông Nguyễn Phong Vũ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Việc người dân tự nguyện xin thoát nghèo không hẳn họ đã thực sự hết khó khăn mà vì họ nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên, ý thức trong việc sẻ chia, hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Những tấm gương thoát nghèo ấy như thổi “luồng gió mới”, tạo động lực để những hộ nghèo còn lại càng quyết tâm, phấn đấu hơn nữa, tiếp tục lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.

 

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>