Nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo

23/10/2023 | 07:44 GMT+7

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của huyện Châu Thành A đã đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững...

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành A đạt nhiều kết quả nổi bật.

Hướng đi đúng trong giảm nghèo ở cơ sở

Xác định đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả, 3 năm qua thị trấn Một Ngàn đã tập trung tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Ông Phạm Hoàng Hướng, công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn Một Ngàn, chia sẻ: “Nhờ đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình từng là hộ nghèo trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, nhờ nguồn thu nhập ổn định của người thân gửi về. Các thị trường lao động được địa phương tập trung giới thiệu cho người dân địa phương: Nhật Bản, Hàn Quốc… Sau khi tham gia xuất khẩu lao động, một minh chứng rõ nét trong công tác giảm nghèo ở địa phương là từ nguồn thu nhập ổn định của người thân đi xuất khẩu lao động, nhiều hộ đã có điều kiện cất nhà khang trang, tập trung phát triển kinh tế gia đình ổn định”.

Xác định xuất khẩu lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình và góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Thời gian qua, thị trấn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này. Trong năm 2022, trên địa bàn thị trấn Một Ngàn có hơn 20 lao động trúng tuyển các đơn đặt hàng xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã có 13 lao động trúng tuyển các đơn đặt hàng xuất khẩu lao động.

Ngoài đưa người lao động đi xuất khẩu lao động, việc quan tâm hỗ trợ sinh kế để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển mô hình kinh tế gia đình, cũng được các địa phương chú trọng rất nhiều. Nổi bật nhất trên địa bàn huyện là hỗ trợ sinh kế để người dân phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của địa phương, cùng ý chí vươn lên của người dân, nhiều hộ nghèo nay đã vươn lên khá giàu. Được địa phương hỗ trợ 3 con dê giống và xét cho vay vốn phát triển kinh tế, nay gia đình chị Võ Thị Thắm, ở xã Thạnh Xuân, đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Thắm bộc bạch: “Trước đây địa phương hỗ trợ gia đình 3 con dê giống, thấy dê cũng dễ chăm sóc, chỉ cần mình chịu khó cắt cỏ, kiếm thức ăn là rau cỏ cho ăn là được, gia đình tôi mới mạnh dạn vay thêm vốn mua 8 con dê nữa. Nhờ cán bộ xã quan tâm hỗ trợ thường xuyên về cách chăm sóc dê, vệ sinh chuồng trại, nên dê sinh sản khá ổn… qua mấy đợt bán dê giống, dê thịt kinh tế gia đình tôi giờ ổn định lắm”.

Từ địa phương đến người dân đều nỗ lực

Là địa phương cửa ngõ của tỉnh, huyện Châu Thành A có 10 đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 là 7,10%. Trong đó, tổng số hộ nghèo 1.030 hộ, chiếm tỷ lệ 3,85%, hộ cận nghèo 871 hộ, chiếm tỷ lệ 3,25%.

 Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo 10/10 xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, ban quan lý thực hiện các chương trình… Cụ thể, về thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình trong năm 2022, Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo có 2 xã thực hiện, trong đó xã Thạnh Xuân với Dự án nuôi dê thương phẩm và xã Trường Long Tây Dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững mở 9 lớp đào tạo nghề, với 225 học viên tham gia học nghề, thu thập được 4.345 phiếu thông tin thị trường lao động trên địa bàn huyện; Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản lý và tuyên truyền cho cán bộ, phối hợp thực hiện tin, bài trên Báo Hậu Giang, tuyên truyền trực quan ở các nơi có đông đồng bào dân tộc… Riêng trong năm 2023, trong thực hiện Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đã có 3 dự án được giải ngân. Các dự án 3, 4, 6, 7 hiện đang giải ngân.

Kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo thường xuyên từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, đã tặng 5.601 phần quà cho gia đình hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 2,2 tỉ đồng; trợ cấp 14.634 thẻ BHYT; trợ cấp tiền điện cho 1.813 hộ; vận động xây dựng 173 căn nhà tình thương, với kinh phí hơn 8,6 tỉ đồng. Ngoài ra, về thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo có 439 hộ nghèo, 338 hộ cận nghèo và 2.839 hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện.

Ông Hà Văn Chính, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết: Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp đã chỉ đạo triển khai các hoạt động hiệu quả cũng như đã kịp thời nắm bắt tình hình để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình tổ chức và thực hiện chương trình. Các chỉ tiêu về công tác giảm nghèo của huyện trong năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, đầu năm 2022 toàn huyện có 1.030 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,85%, hộ cận nghèo 871 hộ, chiếm tỷ lệ 3,25% đến cuối năm, hộ nghèo giảm còn 2,42%, giảm 1,45% đạt 143% so với Nghị quyết Huyện ủy đề ra.

Thực hiện các chương trình giảm nghèo thường xuyên từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, tại huyện đã tặng 5.601 phần quà cho gia đình hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 2,2 tỉ đồng; trợ cấp 14.634 thẻ BHYT; trợ cấp tiền điện cho 1.813 hộ; vận động xây dựng 173 căn nhà tình thương, với kinh phí hơn 8,6 tỉ đồng. Trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo có 439 hộ nghèo, 338 hộ cận nghèo và 2.839 hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi....

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>