Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ

19/12/2023 | 09:33 GMT+7

Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ luôn được các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho trẻ.

Định kỳ hàng tháng, hàng quý các bé ở trường mầm non, mẫu giáo sẽ được cân đo, theo dõi sau cân.

Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ qua thực đơn bán trú

Mỗi năm Trường Mầm non Sen Hồng, thành phố Vị Thanh, có khá đông trẻ theo học. Để phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ, ngay mỗi đầu năm học, nhà trường chủ động cân đo, theo dõi tăng trưởng của từng bé. Bà Trương Thị Kim Duyên, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Đối với trẻ bậc mầm non việc phòng, chống suy dinh dưỡng hết sức quan trọng. Thông thường, các bé ở lớp nhà trẻ sẽ tiến hành cân đo hàng tháng, riêng trẻ từ 24 tháng trở lên thì cân đo được thực hiện theo quý. Từ kết quả cân đo, nhà trường sẽ nắm số liệu trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, để xây dựng kế hoạch cải thiện dinh dưỡng”.

Trường Mầm non Sen Hồng có khoảng 430 trẻ đang theo học. Từ kết quả cân đo hàng tháng, hàng quý ở các lớp, nhà trường tập trung cải thiện dinh dưỡng cho trẻ bằng nhiều biện pháp: thường xuyên kiểm tra giám sát chế độ ăn của trẻ tại trường; thay đổi thực đơn theo tuần, đa dạng hóa các món ăn giúp trẻ ăn ngon miệng… “Đối với giáo viên các lớp, chúng tôi lưu ý các cô quan tâm tới trẻ, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng. Trong các bữa ăn của trẻ, giáo viên còn động viên trẻ ăn hết suất cũng như theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ thường xuyên…”, bà Duyên chia sẻ thêm.

Nhiều trẻ mầm non hiện nay có xu hướng biếng ăn, thích ăn một vài loại thức ăn. Rau quả đối với nhiều trẻ là món ăn khó, các em chỉ thích ăn món chiên, xào, thức ăn ngọt, béo, thức uống có ga… Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, huyện Vị Thủy, cho biết: “Trường hiện có gần 400 trẻ học bán trú, mỗi ngày các bé ăn 3 bữa, bữa sáng ăn cháo thịt, bún, phở, nui; bữa trưa ăn cơm, 1 món canh, 1 món mặn, trái cây; chiều thì ăn nhẹ với cháo, nui… Trong tuần, chúng tôi liên tục thay đổi thực đơn, tránh nhàm chán trong bữa ăn, kết hợp đa dạng thực phẩm”.

Phối hợp phụ huynh để đảm bảo dinh dưỡng

Hoạt động chăm sóc giáo dục dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong tất cả trường mầm non không ngừng được quan tâm. Để nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng, khẩu phần ăn từng bữa được tính toán hợp lý, có sự điều chỉnh trong ngày.

Các trường còn tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm: thịt, cá, trứng, rau xanh… với chất lượng, giá cả hợp lý. Việc chế biến món ăn cho trẻ được tiến hành theo quy trình bếp một chiều, có tủ lạnh để lưu mẫu thức ăn 24/24 giờ. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn, từ khâu chế biến thực phẩm đến khâu chia khẩu phần ăn.

Bà Lê Thị Thúy Loan, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng cho các bé. Chúng tôi thường xuyên thông báo cho phụ huynh về tình hình sức khỏe của trẻ, để phụ huynh cùng phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ một cách toàn diện. Để mỗi phụ huynh có thêm kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, nhà trường đã xây dựng góc tư vấn dinh dưỡng cho phụ huynh: tranh ảnh tuyên truyền, thông qua các buổi họp cha mẹ trẻ để phổ biến kiến thức, qua các giờ đón - trả trẻ…”.

Với những hoạt động thiết thực và chương trình dinh dưỡng cụ thể, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em ở các trường mầm non, mẫu giáo có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hằng năm ở mức thấp trong đó, số lượng trẻ suy dinh dưỡng đầu năm học được cải thiện vào cuối mỗi năm học.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>