Phụ nữ dân tộc giúp nhau khởi nghiệp

02/05/2024 | 05:41 GMT+7

Thông qua các mô hình giúp nhau khởi nghiệp hiệu quả thời gian qua, đã góp phần giúp đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố Vị Thanh nói chung, hội viên phụ nữ dân tộc ở ấp 7, xã Vị Tân nói riêng ngày càng chuyển biến tích cực.

Những đôi đũa, cần câu được vót tỉ mỉ đang giúp các thành viên trong mô hình “Phụ nữ dân tộc giúp nhau khởi nghiệp” có thu nhập ổn định.

Ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhận thấy phụ nữ nơi đây có nghề vót đũa, cần câu lâu đời, nhưng rời rạc, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết. Năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân tổ chức ra mắt mô hình dân vận khéo: “Phụ nữ dân tộc giúp nhau khởi nghiệp”. Mô hình này có 8 chị em tham gia, đều là phụ nữ dân tộc Khmer.

Tham gia mô hình, các chị em được hỗ trợ vốn từ dự án của tổ chức Liên Minh Nauy tại Việt Nam. Từ nguồn vốn này, các thành viên mua nguyên vật liệu sản xuất, giúp chị em phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Bà Trương Thị Em, ở ấp 7, xã Vị Tân năm nay 67 tuổi, có trên 30 năm làm nghề vót đũa, cần câu. Hoàn cảnh của bà khá khó khăn, các con đi làm công nhân ở xa, nhà cũng không có nhiều ruộng đất, nên nghề vót đũa, cần câu góp phần tạo nguồn thu nhập thường xuyên, giúp 2 vợ chồng bà trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Năm 2023, thông qua mô hình, bà được hỗ trợ 5 triệu đồng, trong đó 4 triệu đồng được hỗ trợ không hoàn lại, còn 1 triệu đồng cho mượn và sẽ hoàn trả lại sau 2 năm. Từ nguồn vốn này, bà có thêm tiền để đầu tư đồ nghề, nguyên liệu để gia tăng sản xuất.

“Hồi trước thiếu vốn, nên mua tre lẻ để làm nguyên liệu vót đũa, cần câu, giá thành đắt hơn. Có thêm số vốn hỗ trợ, tôi mua tre với số lượng nhiều, giá rẻ hơn và chủ động được nguồn nguyên liệu để tăng lượng sản xuất”, bà Trương Thị Em cho biết.

Tương tự, hộ chị Nguyễn Hồng Nga, ở ấp 7, xã Vị Tân, cũng có hoàn cảnh khó khăn. Một mình nuôi 2 con nhỏ, thiếu vốn sản xuất nên chị cũng không chủ động được việc mua tre về làm nguyên liệu. Vì vậy, bình quân mỗi ngày chỉ vót được hơn 300 đôi đũa, cần câu.

Sau khi được chị em phụ nữ ấp 7 và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân động viên, cùng với số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng từ dự án của tổ chức Liên Minh Nauy tại Việt Nam, chị Nga mạnh dạn mua thêm đồ nghề, nguyên liệu. Nhờ vậy mà đến nay, mỗi ngày, chị vót được hơn 500 đôi đũa, cần câu. Với giá bán 100 đôi đũa khoảng 50.000 đồng, giúp chị thu về khoảng 250.000 đồng/ngày. 

Bà Phan Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân, cho rằng, điểm nổi bật của mô hình “Phụ nữ dân tộc giúp nhau khởi nghiệp” là vận động, tập trung chị em phụ nữ lại với nhau, cùng giúp đỡ, hỗ trợ, liên kết để lượng hàng hóa sản xuất ra với số lượng lớn và tìm đầu mối bán ra dễ dàng hơn.

“Kế hoạch thời gian tới, là vận động thêm chị em làm nhỏ lẻ, rời rạc tham gia vào tổ, tạo sự đoàn kết, làm việc tập thể, để cùng nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng Đảng bộ chung tay nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao”, bà Phan Thị Ngọc Trinh nhấn mạnh.

Toàn xã Vị Tân có 3.238 hộ dân, trong đó còn 15 hộ nghèo (chiếm 0,46%), 102 hộ cận nghèo (chiếm 3,15%). Hiệu quả từ mô hình “Phụ nữ dân tộc giúp nhau khởi nghiệp” mang lại bước đầu, sẽ là tiền đề để xã Vị Tân thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH MẪN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>